(Lại về thuở quá khứ, có đức Phật ra đời hiệu là Tỳ Bà Thi Phật. Như có người nam người nữ nào nghe đến danh hiệu của đức Phật này, thì vĩnh viễn không đọa vào ác đạo, thường được sanh vào chốn trời, người, hưởng sự vui thù thắng vi diệu.)
Tỳ Bà Thi là Phạn ngữ dịch âm, ý nghĩa là Thắng Quán, Thắng là thù thắng, Quán là quán sát. Phàm phu chúng ta đối với hết thảy vạn vật thường nhìn thấy thiên lệch, coi sai lạc, nói cách khác là không thù thắng. Thù thắng ở đây là đối với hết thảy chân tướng của chư pháp nhìn thấy rõ ràng, rành rẽ, cái nhìn như vậy gọi là Thắng Quán. Mọi người nghe cách nói này xong sẽ cảm thấy rất mơ hồ, chúng ta không thể học tập. Nói thật ra quán tức là quan niệm của bạn. Kinh Lăng Nghiêm nói rất hay, quán như thế nào mới thực sự là thù thắng quán, đại sư Giao Quang trong chú giải dạy chúng ta “xả Thức dùng Căn”, đó thực sự là thắng quán, Danh phù hợp với Thật. Nói thì không sai nhưng phàm phu chúng ta không làm nổi, phàm phu dùng thức thứ sáu Ý Thức, xả Thức dùng Căn thì chẳng dùng Ý thức. Căn là tánh ở trong Căn, và cũng là nói chúng ta dùng tánh Thấy để nhìn sự vật, quán như vậy mới thù thắng.
Chư vị phải biết trong hội Lăng Nghiêm, đức Phật dạy chúng ta rất rõ ràng, pháp môn tu của Quán Thế Âm Bồ Tát chính là pháp này “Nghe trở lại tự tánh, tánh thành đạo vô thượng”, Quán Âm Bồ Tát nêu ra báo cáo tu học, Ngài làm thế nào để tu hành thành công? Chính là dùng Tánh trong Căn, Tánh trong Căn là chân tâm. Nói cách khác dùng chân tâm, chẳng dùng vọng tâm. Dùng tánh Thấy để thấy Sắc (nhìn sự vật), thấy Sắc chẳng phải là Sắc trần, chúng ta dùng Nhãn Thức để thấy Sắc là sắc trần, trần là nhiễm ô; Nếu dùng tánh Thấy để nhìn sắc thì sẽ thấy tánh của sắc. Trong Thiền Tông gọi là minh tâm kiến tánh. Khả năng của họ lớn, còn khả năng của chúng ta vô cùng kém cỏi. Dùng tánh nghe để nghe tánh của âm thanh, dùng tánh ngửi để ngửi tánh của hương, dùng tánh nếm để thưởng thức tánh của vị, [đó là ] minh tâm kiến tánh. Chúng ta rất hèn tệ, sáu căn chúng ta tiếp xúc sáu cảnh giới bên ngoài đều là sáu thứ ô nhiễm, người ta khi sáu căn tiếp xúc sáu [cảnh giới] bên ngoài liền kiến tánh, do đó sau khi kiến tánh mới nói “nơi nơi đều là đạo, trái phải đều về nguồn”, đó là việc đương nhiên vì những gì sáu căn tiếp xúc đến đều là chân như bổn tánh, kiến tánh thành Phật.
(Lược Trích: Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký – Quyển Hạ
– Chủ giảng: Hòa thượng Tịnh Không.
Tập 33 : Phẩm Thứ Chín: Xưng Danh Hiệu Chư Phật – Trang -172)