Tiếp theo, “Chân Giải viết: Phước điền giả, cúng dường Như Lai, sở thí tuy thiểu, hoạch phước hoằng đa” (Sách Chân Giải giảng: “Phước điền là cúng dường Như Lai, tuy bố thí ít mà đạt được phước rộng nhiều”). Tự tánh thanh tịnh, bình đẳng, giác của Như Lai, cũng chính là như chúng ta thường nói “cúng dường Tam Bảo”. Ở đây chẳng dùng chữ Tam Bảo, mà nói là Như Lai, Như Lai là Tánh Đức. Tuy bố thí ít, được phước rất lớn, quý vị đạt được đại phước báo. Chúng tôi thấy trong Liễu Phàm Tứ Huấn có một câu chuyện nhỏ, có một cô bé sanh ra ở nông thôn, gia đình hết sức khốn khó. Có một hôm, cô đến chùa, trên người chỉ có hai đồng, xưa kia là hai đồng tiền đúc bằng đồng. Tâm cô chân thành, cung kính, đem hai đồng ấy cúng dường Tam Bảo. Hòa thượng trụ trì ngôi chùa ấy thấy cô rất kiền thành, bèn hồi hướng cầu phước cho cô. Cô bé ấy rời đi, về sau được tuyển vào hậu cung, làm phi tử của hoàng đế, tức là hoàng phi. Trải qua rất nhiều năm, nhớ tới năm xưa đến chùa ấy cúng dường hai đồng tiền, lần này báo ơn Phật, cô ta có phước báo to như thế, làm hoàng phi, bèn mang một ngàn lượng hoàng kim đến chùa cúng dường Tam Bảo. Cúng dường xong xuôi, lão hòa thượng vẫn còn sống. Lão hòa thượng sai một đồ đệ hồi hướng cho cô. Hoàng phi rất bực bội: “Mười mấy năm trước, ta cúng dường hai đồng ở nơi đây, lão hòa thượng đích thân hồi hướng cho ta. Nay ta mang nhiều vàng bạc, của cải đến cúng dường như vậy, cớ sao ông ta chỉ sai một đồ đệ [hồi hướng qua loa] cho xong chuyện?” Vì thế, bà ta chất vấn lão hòa thượng. Lão hòa thượng bảo bà ta: “Trong quá khứ, khi còn bé, bà cúng hai đồng ấy với tấm lòng chân thành nên mới có địa vị như ngày nay, mới làm hoàng phi. Hiện thời, tuy mang nhiều thứ đến cúng dường như thế, nhưng phước báo chẳng bằng lần trước, phước báo của bà rất nhỏ!” Quý vị thấy tâm ngạo mạn, chẳng có chút khiêm hư, khiêm đức nào! Bà ta vẫn còn khá lắm, vẫn còn có thể tiếp nhận, nên mới thật sự sám hối tạ tội. Do vậy, bố thí được phước báo nhiều hay ít, chẳng do vật phẩm cúng thí nhiều hay ít, mà do tâm chân thành, cung kính của quý vị. Thuở ấy, chân thành, cung kính, trong tâm chẳng mong cầu gì, nên được phước báo to dường ấy. Vì thế, đối với chuyện cúng dường Tam Bảo, chúng ta cần phải biết [như vậy].
Hiện thời, chúng ta cúng dường Như Lai như thế nào? Hiện tại cúng dường, nếu bảo là dựng chùa thì quý vị dựng một ngàn ngôi chùa, chẳng bằng bồi dưỡng một pháp sư giảng kinh! Người có thể hoằng đạo, chẳng phải là đạo có thể hoằng người. Thấy những vị pháp sư tuổi trẻ mới xuất gia, thật sự có đạo tâm, quý vị phải phát tâm chăm sóc người ấy; trong tương lai người ấy thành tựu, quý vị có phước báo to lớn, chẳng thể nghĩ bàn! Tôi suốt đời cảm kích Hàn Quán Trưởng, bà ta hộ trì tôi ba mươi năm. Không được bà ta chăm sóc ba mươi năm, tôi chẳng có thành tựu như hiện thời. Không được bà ta chăm sóc ba mươi năm, chắc là tôi đã hoàn tục. Vì thuở ấy, tôi bị ép đi theo hai con đường: Chẳng hoàn tục thì phải theo đuổi kinh sám. Trong chùa miếu không cần pháp sư giảng kinh, chúng tôi tìm một chỗ để ở cũng tìm không ra, họ không cho quý vị quải đơn! Nếu chúng tôi vứt bỏ chuyện giảng kinh để làm kinh sám Phật sự, mỗi đạo tràng đều hoan nghênh. Ngày nay là thời đại như vậy. Do vậy, chúng ta biết: Nếu thật sự có một nơi nho nhỏ, chẳng cần quá lớn, một cái lều tranh nhỏ là được rồi, càng đơn giản càng hay, có thể dưỡng đạo tâm. Cuộc sống vật chất quá tốt đẹp, đạo tâm chẳng còn nữa. Đức Phật dạy chúng ta, “lấy khổ làm thầy, lấy giới làm thầy”, không thể trì giới, chẳng thể chịu khổ, làm sao kẻ ấy có thành tựu cho được!
– HT. Tịnh Không, Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa (VLT 11), tập 108.