Đời nhà Minh, tại Lăng Hoàng Liên, có ông Mã Ông Chi, bình sanh chẳng tin nhân quả, ưa giết thịt chó ăn, đã vậy ông lại còn tự phụ, cứ nói vật sinh ra là để nuôi người, chớ không can chi mà sợ. Thông gia của ông, tên Ngũ Hầu Sáng, là người lương thiện, thấy ông làm nhiều điều ác đức, nên thường can ngăn mà ông chẳng chịu nghe, cứ tiếp tục sát sanh, cốt để bổ dưỡng tấm thân chớ hề giảm khẩu.
Được ít năm sau, ông Mã Ông Chi mắc phải căn bệnh trầm kha, đêm ngày kêu la, như người bị đánh đập. Đau đớn cứ dày vò ông ngày càng dữ dội, đến phút cuối cùng, ông ta lìa đời trông thật thảm não, khủng khiếp. Người con út của ông thông gia (Ngũ Hầu Sáng), tên là Ngũ Bá, đã xuất gia học đạo hiệu là Tự Tu, tu ở chùa Khánh Vân. Khoảng mười năm sau, nhằm đêm 14 tháng chạp, sư Tự Tu nằm mộng thấy mình đi đến một tiệm buôn, bỗng thấy ông Mã Ông Chi hớt hơ hớt hải chạy đến và nói rằng:
– Tôn sư ôi! Xin xứu mạng tôi!
– Sự chi mà nguy cấp lắm vậy? – Sư Tự Tu lật đật hỏi.
– Có người rượt theo bắt tôi.
– Thôi! Ông vào tiệm này rồi đóng cửa lại. Không sao đâu, có tôi bảo hộ cho.
Kế đó có một tốp người bươn bả chạy lại hỏi sư Tự Tu rằng:
– Sư có thấy Mã Ông Chi đi lạc nơi đây hay không?
– Hồi này giờ tôi chẳng thấy người nào đến đây. – Sư đáp.
Đoạn rồi, mấy người ấy kéo nhau đi ngả khác. Khi sư giật mình thức dậy, mới biết chỉ là điềm mộng. Sáng ngày hôm sau sư mới nói với các bạn đạo rằng:
– Số là người sui gia với thân phụ tôi, tên là Mã Ông Chi đã bất hạnh qua đời gần mười năm rồi, mà không biết cớ sao hồi khuya này tôi nằm mộng thấy ông ta.
Rồi sư kể lại chi tiết giấc mộng cho mọi người nghe. Đến quá ngọ, thoạt đâu thấy mấy người thợ săn xích chó săn chạy vào rừng, la ó ầm ĩ, chắc là đuổi theo con gì đó. Thình lình một lát sau, có một con nai chạy vào chùa, rồi ngã lăn ra nằm bất tỉnh, chắc là vì chạy quá mệt. Tăng chúng thấy vậy bèn lại gần chú nguyện, mà nó vẫn không tỉnh lại. Khi sư Tự Tu hay sự ấy, bèn đến xoa bóp cho con nai và lấy chiếu ủ ấm nó một hồi lâu, nó mới cựa quậy.
Mấy ngày sau, mỗi ngày sư đều đem rau luộc và đậu hủ cho nó ăn. Lần lần thấy nó khỏe mạnh như thường, rồi ở luôn trong chùa. Hễ sư đi đâu thì nó theo sau, xem chừng rất dạn dĩ. Đây nói qua sư Tự Tu sực nhớ lại điềm mộng mình đã thấy bữa trước, bèn dắt con nai ra khỏi chùa mà thả, song nó cứ lẩn quẩn một bên, coi bộ quyến luyến đi không đành. Sư thấy vậy, bèn nói:
– Nếu người quả là Mã Ông Chi, thì nên vào rừng mà dung thân, nếu như có nạn chi thì trở lại đây, ta sẽ cứu hộ cho.
Con nai nghe nói như thế, đứng bi lụy một hồi, rồi riu ríu đi nơi khác. Cách ít lâu, có tên thợ rừng thấy con nai nằm chết bên khe gần chùa, anh ta định lột da và lấy sừng đem về bán. May đâu sư Tự Tu đi đến, nhìn kỹ lại biết là con thú của mình cứu ngày trước, bèn can ngăn người ấy xin đừng động dao . Nhờ vậy mà thi hài con nai khỏi bị phanh thây xẻ thịt. Sư bèn bảo tăng chúng khiêng con nai đem chôn dưới triền núi, và tụng kinh cầu nguyện cho vong linh nó siêu độ, đúng như lời hứa khi trước “hễ con nai có nạn thì sư sẽ giải cứu”.
Phàm trong đời, hễ nhân nào thì quả nấy. Bởi vì kiếp trước gây nghiệp sát sanh hay giết thịt chó, nên sau phải đầu thai làm thân thú mà đền nợ tiền khiên, thật là khổ não biết bao. Cũng may nhờ có duyên với một vị chân tu, nhờ vị đó che chở, và được tăng chúng chú nguyện cho mà thoát được cảnh chém giết, âu cũng là một chút phước nào đó còn xót lại, bằng không phải chịu cảnh phanh thây xẻ thịt, đau đớn biết chừng nào. Đó cũng là minh chứng về luân hồi nhân quả, về việc tạo ác của con người có báo ứng như thế, để cho người đời tỉnh ngộ mà lo đổi tâm sửa tánh, mong tránh khỏi cuộc luân chuyển trong sáu đường.
Theo Lục Đạo Tập