Đến phần cuối cùng trong kinh, đức Phật quy kết về thập nguyện vương, tổng kết mười cương lãnh. Do đó thập nguyện vương mở rộng ra tức là toàn bộ kinh Hoa Nghiêm, kinh Hoa Nghiêm đến cuối cùng rút gọn tức là thập nguyện vương. Bạn muốn thực sự hiểu rõ nghĩa thú, phương pháp tu học chứa đựng trong thập nguyện thì nếu không hiểu rõ toàn bộ kinh Hoa Nghiêm, bạn làm sao biết được! Bạn làm sao tu học!
Đó là tổng cương mục. Nhưng tổng cương mục này chúng ta lại đơn giản hóa thêm nữa, chúng tôi đề ra hai mươi chữ “Chân Thành, Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Chánh Giác, Từ Bi”, “Nhìn Thấu, Buông Xả, Tự Tại, Tùy Duyên, Niệm Phật”. Chư vị thử nghĩ xem hai mươi chữ này có tương ứng với thập nguyện vương không? Từ đó chúng ta tu hành, dụng công mới nắm vững được cương lãnh quan trọng, chúng ta tu gì? Khởi tâm động niệm tương ứng với hai mươi chữ này. Những tâm niệm nào không tương ứng thì thay đổi, cải chánh trở lại, niệm niệm đều tương ứng thì chúng ta biết chúng ta đang đi trên Bồ Tát đạo, đường chúng ta đi là đường thành Phật. Hoa Nghiêm tới cuối cùng kết quy về Tây Phương Tịnh Độ, mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc, hai mươi chữ này cuối cùng quy kết về Niệm Phật. Thế nên trong Hạnh Môn càng đơn giản thì càng thuận tiện, Giải thì phải sâu, phải rộng, còn Hạnh Môn thì phải chuyên, phải nhất, công phu mới có thể đắc lực. Hiện nay có rất nhiều đồng tu giỏi, người tu hành giỏi thường thường nói với tôi về việc công phu không được đắc lực. [Họ] rất muốn công phu của mình được đắc lực, tại sao công phu chẳng đắc lực? Bạn phải biết nguyên nhân.
Nguyên nhân [công phu] không đắc lực chính là vì chúng ta khởi tâm động niệm chẳng tương ứng, vẫn cứ tham-sân-si-mạn như cũ, vậy thì làm sao tương ứng được! Đạo lý là như vậy, nguyên nhân là như vậy.
(Lược Trích: Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký – Quyển Hạ
– Chủ giảng: Hòa thượng Tịnh Không. Tập 26 PHẨM THỨ BẢY: LỢI ÍCH CHO KẺ CÒN NGƯỜI MẤT – Trang -9)