Ngày nay chúng ta thường hay nghe nói đến 2 chữ “Phước báo”, nhưng lại khó lòng thấu triệt được cái gì là phước. Đa phần mọi người luôn cho rằng phải ăn mặc sung sướng, phải giàu sang phú quý, phải tiền hô hậu ủng, phải vui vẻ khỏe mạnh, phải gia đạo hòa thuận thì mới gọi là phước. Điều này không sai, tuy nhiên phạm vi quá hạn hẹp. Nhà Phật giải thích chữ phước này bao gồm 2 tầng nghĩa là trên mặt sự tướng và trên mặt tâm:
1. Trên mặt sự tướng: Tất cả những thọ dụng từ miếng ăn, miếng uống, áo quần, vật chất, cho đến các mối quan hệ thiện duyên trong đời này mà một người có được thì gọi là phước. Trong phước này được chia làm 3 loại:
– Phước về tài lộc: Nếu người có phước nhiều thì trong đời này bất luận là làm ngành nghề nào cũng rất dễ dàng phát tài, luôn được hưởng cuộc sống giàu sang phú quý, ăn sung mặc sướng. Nếu người có phước ít một chút thì đời này tiền của chỉ tạm đủ sống qua ngày mà thôi, không có dư để mà tích trữ.
– Phước về thông minh trí tuệ: Nếu người có phước nhiều thì đời này rất thông minh, có thể nói là học 1 biết 10. Nếu người có phước ít thì đời này trí tuệ không thể mở mang, đối với tất cả các vấn đề đều rất chậm hiểu.
– Phước về sức khỏe và thọ mạng: Nếu người có phước nhiều thì đời này cơ thể luôn khoẻ mạnh, nếu có bệnh thì chẳng qua chỉ là cảm mạo đôi chút mà thôi, thọ mạng rất dài lâu. Nếu người không có phước nhiều thì rất hay bị bệnh, nay yếu mai đau, bệnh này vừa hết thì bệnh khác liền kéo đến, thọ mạng không dài lâu.
2. Trên mặt tâm thức: Cũng tức là nói đến sự an định của nội tâm. Nếu người có phước nhiều thì tâm luôn thanh tịnh an ổn, không có ưu, bi, khổ, não, không có lo nghĩ, cũng chẳng có chấp chước. Nếu người có phước ít thì tâm luôn động loạn bất an, thường hay sợ hãi, hay lo lắng suy nghĩ.
Vậy với người mà phước cực kỳ mỏng tạm hoặc không có phước thì sao? Thì đời này nhất định là nghèo cùng, thường hay có chuyện khiến cho hao tổn, gặp nhiều chuyện chẳng như ý khiến cho lo lắng không yên, thường hay gặp hoạn nạn, bị mọi người ghét bỏ, thường mắc tù tội, mọi sự vui sướng tốt lành đều lánh xa, thường gặp vận xấu, thọ mạng không dài lâu.
Từ đây, chúng ta cũng đã phần nào tự mình phán đoán xem trong vận mạng của chính mình chổ phước báo có được đó là nhiều hay ít. Nếu phước báo của chính mình đã có nhiều rồi, thì vẫn nên tiếp tục gieo trồng thêm phước báo, để cho phước báo này càng trổ càng thù thắng. Nếu phước báo của chính mình quá ít ỏi hoặc không nhiều thì cố gắng nổ lực tu phước và tiếc phước, để cho phước báo của mình ngày càng dày thêm, ngày càng thù thắng thêm.
Tu phước, phải tu như thế nào đây? Có rất nhiều phương pháp tu phước như: Bố thí, cúng dường, cứu giúp người nghèo khó hoạn nạn, chăm sóc bệnh nhân, hiếu dưỡng cha mẹ ông bà, làm đường, xây cầu, khuyên người làm lành, ăn chay, giới sát phóng sanh, giữ giới, tụng Kinh, niệm Phật… Tuy nhiên, cách tu phước thù thắng nhất chính là sửa đổi tâm niệm.
Vậy phải sửa đổi tâm niệm như thế nào? Trước đây, mọi suy nghĩ đều là vì chính mình, vì lợi ích của bản thân mình, nay ta đem những suy nghĩ đó chuyển đổi trở lại, niệm niệm đều nghĩ đến lợi ích của tất cả mọi người, vì mọi người mà tận hết sức để phục vụ. Phàm là những tâm niệm hại người lợi mình, đối với xã hội đều chẳng có lợi ích, thì dù là 1 niệm cũng chẳng để cho sanh khởi lên. Nếu có thể làm được như vậy, thì phước báo của chúng ta chỗ tu được đó là vô lượng vô biên, ngay trong đời này sẽ cảm thọ được thiện báo mà chẳng cần phải đợi đến đời sau.
Chúng ta thấy trong truyện Du Tịnh Ý Công Gặp Táo Thần, ông Du Tịnh Ý sau khi được Táo Thần khai thị cho phương pháp cải sửa lỗi lầm, tu tạo phước lành, thì ông thật sự quay đầu mà cải ác làm lành, niệm niệm đều là vì lợi ích của tất cả mọi người, ông chẳng còn vì bản thân ông nữa. Cho nên, ông nhận được thiện quả ngay trong hiện đời. Trong mạng ông vốn không có công danh nên dẫn đến ông thi đâu thì rớt đó, sau này ông thi đậu tiến sĩ, ra làm quan. Trong mạng ông có 9 người con, chết 7 còn 2, trong 2 đứa này thì 1 đứa thất lạc từ nhỏ chẳng rõ sống chết, chỉ còn giữ lại được 1 đứa con gái duy nhất bên mình mà thôi, tuy nhiên đứa con này lại không bình thường, suốt ngày ngẩn ngơ, sau này ông tìm lại được đứa con trai đã thất lạc, còn đứa con gái cũng tìm được thầy trị cho hết bệnh. Thọ mạng của ông được kéo dài thêm, ông sống đến ngoài 80 tuổi. Đây đều do mạng hiện thời của ông đã chuyển đổi trở lại.
A Di Đà Phật!
– Tài liệu tham khảo: Pháp ngữ của pháp sư Tịnh Không-