Cổ Đức nói rằng:
– Giữ giới có tốt cách mấy nhưng không thể đắc Định, thì công phu vẫn còn có chổ thiếu hụt.
Chúng ta giữ giới được rất tốt, thế nhưng tại sao không được Định vậy? Cái nghi vấn này tôi tin cũng là nghi vấn của rất nhiều đồng tu ngày nay. Chúng ta sở dĩ tuy giữ giới được rất tốt nhưng vẫn không được Định đó là vì trong tâm luôn khởi tăng thượng mạn. Cái gì là tăng thượng mạn? Nếu nói theo lối nói ngày nay thì tăng thượng mạn chính là “Rất đáng được kiêu ngạo”, như vậy là hỏng rồi. Hỏng cái gì vậy? Hỏng mất công phu của chính mình, hỏng mất cái tâm thanh tịnh của chính mình, hỏng mất đi Thiền Định của chính mình.
Ví dụ nói bạn rất thích nghiên cứu Kinh điển, nghiên cứu được rất sâu, trong tâm bạn luôn cảm thấy chính mình rất đáng được kiêu ngạo. Hoặc như bạn giảng Kinh nói pháp rất hay, có rất nhiều thính chúng rất thích nghe bạn giảng Kinh, nên trong tâm bạn luôn cảm thấy chính mình rất đáng được kiêu ngạo. Hoặc như hằng ngày bạn thọ trì 5 giới rất tinh nghiêm, niệm Phật cũng rất giỏi số lượng rất nhiều, bạn cảm thấy nếu so với rất nhiều người thì bạn tài giỏi hơn nhiều, thanh tao hơn nhiều, người khác đều chẳng thể sánh bằng bạn, tự tự nhiên nhiên trong tâm luôn cảm thấy chính mình rất đáng được kiêu ngạo.
Khi cái ý niệm rất đáng được kiêu ngạo này khởi dậy thì bao nhiêu công đức bạn trì giới, bạn niệm Phật được đó đều mất hết. Vì sao mất? Vì trong tâm bạn không còn sự thanh tịnh nữa, mà nó chứa đầy những phiền não “Rất đáng được kêu ngạo”. Do vì tâm không thanh tịnh, cho nên sự trì giới, sự niệm Phật này của bạn không thể giúp bạn đạt được Định, đạo lý là như vậy. Mà bạn không thể được Định thì sự trì giới, sự niệm Phật này của bạn chỉ có thể có được phước đức mà thôi, chứ không thể có được công đức.
Lục tổ Huệ Năng trong Đàn Kinh nói được rất hay:
– Người chân chánh tu đạo sẽ không thấy lỗi thế gian.
Vậy thế gian có lỗi hay không? Khẳng định là có. Cổ nhân thường ví tất cả những phiền não lỗi lầm của thế gian là rác rến mà đâu đâu cũng đều có, nhà nào cũng có, chỉ khác nhau ở chổ nhà có nhiều, nhà có ít mà thôi. Thế nhưng ta là người tu hành, ta chỉ lo quét dọn rác rến ngay trong căn nhà của chính mình mà thôi, chứ không nên đem rác từ nhà khác đổ vào trong nhà của mình, hay rác nhà mình mình không lo quét, lại cứ ngày ngày cầm chổi đi quét rác nhà người khác. Làm như vậy thì đến cuối cùng nhà mình chỉ toàn là rác và rác, và người lãnh đủ là chính ta.
Thời gian khoảng gần 10 năm trở lại đây, chúng ta thấy có rất nhiều người sau một thời gian trì giới tu hành rồi thì cho rằng ta đây rất ghê gớm, rất thanh tao, rất có công phu, có thể đảm nhận trách nhiệm hộ trì Phật pháp. Họ ngày ngày vác đao hộ pháp đi khắp nơi tìm kiếm những người phạm giới, những người tu hành biếng trễ… để mà giáo huấn, để mà răng đe… Đến cuối cùng kết quả thế nào? Chẳng những không làm cho Phật môn ngày càng thanh tịnh, mà còn làm náo loạn lên thêm, gieo rắc oán thù khắp nơi. Chẳng những không thể khiến người khác hồi đầu, mà chính mình ngày càng lún sâu vào trong phiền não của mình, thành Phật, thành Bồ Tát đâu chưa thấy mà trước mắt đã tự biến chính mình thành La Sát mất rồi.
Cho nên người trì giới thì cần phải trì đến lúc chính mình chẳng còn nhìn thấy lỗi của người khác nữa, vậy thì mới được. Khi đó chắc chắn bạn sẽ đạt được Định, sự trì giới này của bạn mới sanh ra được công đức.
Tài liệu tham khảo:Tịnh Không Ân Sư
Xin Thường Nhớ Phật Niệm Phật Phát Nguyện Cầu Vãng Sanh