(Tu Cái Miệng, Tu Cả Đời. Phước Từ Miệng, Hết Phước Cũng Từ Miệng, Xin Nên Đọc Qua).
Có người, tình cảm trắc trở, tài vận không thông, trăm sự đều gian truân. Lòng phiền muộn, ngôn từ hỗn loạn, không chú trọng khẩu đức, mà không biết rằng, ngoài miệng không tích đức, nặng lời với người cũng là tự tổn hại phúc báo của chính mình.
Có người nói : “Tôi không hề làm một việc xấu nào, sao có thể tổn hại đến phúc đức được ?” Kỳ thực hãy nhớ rằng, tạo “khẩu nghiệp” cũng sẽ ảnh hưởng đến phúc báo. Một người có mệnh tốt hay không thảy đều nhìn xem người đó có hay không nhiều “khẩu đức” !
Duyên lành, thiện báo, phúc lộc, vận thế trên thế gian đều được sinh ra từ chữ “Đức”! Cổ nhân có câu : ”Buông lời cay độc 6 tháng hàn, một lời lương thiện ấm mùa đông”. Một câu nói vô tình có thể nở hoa hồng cũng có thể đâm gai độc, vì vậy hà cớ gì phải tổn thương người khác ? Lời trách móc nặng nề chẳng khác gì đao kiếm, đâm 1 nhát tổn hại nhân tâm nào thua kém nỗi đau xác thịt. Một khi đã gây ra lỗi lầm, dù về sau có hối hận mà xin lỗi thì chuyện cũng muộn. Vết thương lòng kia đã thành vết sẹo vĩnh viễn không phai nhạt.Cho dù không có ác ý, chỉ là ngoài miệng chua ngoa cũng làm tổn thương người như nhau.
Tâm tốt, mà lời nói bất hảo thì đích thị là người xấu. Lên tiếng quở mắng, không những hại người mà còn mất đức hại thân.
Miệng tu đức, chính tức là tự tu dưỡng chính bản thân.Thân và tâm trọn lành thì vận may, điều tốt lành sẽ kéo đến. Miệng tích đức, vận thế sẽ tốt. Đường đời thẳng tắp, công danh sáng lạng, đỡ phải vòng vo, sớm ngày thành tựu.
Đời người cần phải :
Một, học cách đối nhân xử thế, khiến người dễ chịu.
Hai, học cách làm người ta cảm động.
Ác ngữ thì tổn thương người, lời đẹp sanh ra lắm điều hay. Làm việc không nên quá hà khắc, tâm xuất ra đừng nên nham hiểm. Không nói điều xằng bậy, tránh xa những lộng ngữ thị phi. Bỏ ngoài tai những lời cay độc. Tu tâm dưỡng tính có ảnh hưởng rất nhiều đến vận thế.
Người có tu dưỡng ngôn từ cẩn thận, nói là làm. Người kém thông minh thường nói xằng bậy, kẻ dối trá hay nói lung tung. Không cần mà cứ mãi nói thì thật lắm lời. Bàn thảo vấn đề mà chỉ nói chung chung không tường tận cuối cùng chỉ là nói mò, thiếu thực tế.
Người có tu dưỡng chỉ cần 1 lời trung thực cũng đủ thấu xương tủy, ấm lòng người.
Toàn trách người, tất ôm hận về sau, hay nói xấu người sau lưng thì quả báo khiến cho thù hận mãi không vơi. Đó là hành động của tiểu nhân.
Bậc trí giả ít khi nhiều lời, nói càng nhiều càng dễ sinh tai họa. Nói lời mà không có đạo lý chi bằng không nói. Lời không đạo lý tất sẽ tạo thị phi.
Một lần xuất ngôn hồ đồ, hậu quả tạo ra sẽ không bao giờ có thể cứu vãn. Dù mai sau có giật mình tỉnh ngộ giải thích thì sự cũng đã rồi.
Trò chuyện thân thiện thoải mái sẽ khiến người khác dễ chịu, họ sẽ thích ở bên bạn, nhờ đó mà kết giao bạn bè, gặp kỳ ngộ, kết lương duyên. Mọi quan hệ xã hội đều trở nên dễ dàng. Ta tốt với người, người tốt với ta. Làm được như vậy chính là đang thay đổi vận khí của mình trở nên ngày càng tốt đẹp hơn.
Ở đời nên học nghe, giảm lời nói, thường phải nhắc mình :
1. Chỉ nên lắng nghe, không nên nói nhiều.
2. Không nói lỗi lầm của người.
3. Không nói đâm thọc gây chia rẽ tình cảm.
4. không nói thêm bớt, ít vẽ ra nhiều, lời thô ác, tục tĩu.
5. Đừng nói có thành không, và không thành có.
Những điều trên đây đều là tích đức.Chung quy lại : Hành thiện, tích đức, tất sẽ có phúc báo !