(Chỉ nên đối trước tượng của chư Phật, Bồ Tát lớn tiếng đọc tụng kinh này một biến.)
Đây là dạy cho chúng ta phương pháp, trong Khoa Chú gọi là “Tu phước thoát tội”. Đọc kinh có hiệu quả không? Chúng tôi đã gặp việc này, người nhà quyến thuộc của ông nọ lớn tiếng đọc kinh này trước [hình tượng] Phật, Bồ Tát coi có hiệu quả gì không? Kết quả là chẳng hiệu quả. Đừng nói đọc một lần, đọc mười lần, đọc một trăm lần, đọc một ngàn lần đều chẳng có hiệu quả. Mấu chốt quan trọng ở chỗ nào?
Mấu chốt ở phương pháp đọc kinh, dùng tâm chân thành cung kính mà đọc, khi đọc kinh mà vẫn còn khởi vọng tưởng thì không được, chẳng có hiệu quả. Lần trước tôi kể cho quý vị chuyện của Thích Kế Quang không phải là rất rõ rồi sao. [Ông Quang] đọc kinh Kim Cang, kinh này rất ngắn, chỉ có năm ngàn mấy chữ, trong lúc đọc kinh có một chút xen tạp bèn chẳng có hiệu quả. Kinh dài như vậy, đọc một bộ nhưng có khởi lên một vọng niệm thì chẳng có hiệu quả nữa. Cho nên mở kinh ra đọc từ câu “Như thị ngã văn” cho đến “tín thọ phụng hành” đọc một lượt chẳng có một vọng tưởng nào cả thì mới có hiệu quả. Người thế gian vẽ bùa, ở Trung Quốc rất thịnh hành, bùa vẽ xong rất linh. Niệm chú, chú cũng rất linh. Linh ở chỗ nào? Linh ở chỗ Thành. Tâm chân thành vẽ bùa ấy, người vẽ bùa biết, khi đặt bút vẽ một lá bùa thì chẳng sanh một niệm
nào cả, tuyệt chẳng sanh một niệm thì lá bùa ấy sẽ linh. Lúc thường phải
luyện tập, [tập] vẽ thật rành, đến lúc vẽ thực sự thì chẳng thể khởi lên một niệm, nếu khởi một niệm lên thì bùa ấy sẽ chẳng linh. Niệm chú cũng vậy, lúc niệm Chú Đại Bi có thể trị hết thảy bệnh, tại sao? Lúc niệm chú thì một niệm chẳng sanh. Đọc kinh cũng vậy, bộ kinh này đọc lên thì chẳng khởi lên một vọng niệm nào hết, đọc kinh như vậy sẽ linh, có ích lợi. Vừa đọc kinh, vừa khởi vọng tưởng thì làm sao được? Vậy thì chẳng linh, mấu chốt quan trọng ở chỗ này.
(Lược Trích Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký
– Chủ giảng: Hòa thượng Tịnh Không. Quyển Thượng .PHẨM THỨ SÁU: NHƯ LAI TÁN THÁN: – Tập 22-Tr – 524)