Dứt si mê là gốc của phiền não khổ đau. Tất cả mọi khổ đau của kiếp người, gốc từ si mê mà ra. Một người giàu có, cơm no, áo ấm, ở nhà lầu, đi xe hơi, nhưng tâm họ si mê điên đảo, liệu người ấy có được an vui, hạnh phúc không? Chắc chắn là không.
Thực tế trong xã hội có nhiều gia đình dư tiền lắm của mà thiếu an vui, hạnh phúc, bởi lẽ tâm trí còn mê loạn. Người này tham, người kia giận, người nọ đố kỵ, ganh tỵ…. Tham, giận, đố kỵ… nổi lên liền bất an, đau khổ. Cái đau khổ này không phải do thiếu ăn, thiếu mặc mà do si mê. Vì si mê chấp thân này là ta nên cái gì đẹp quý, khởi lòng tham chiếm đoạt cho mình. Chiếm đoạt không được thì sân giận nổi lên bức xúc, đau khổ. Khi nào thấy thân này không thật là giảm si mê, si mê giảm thì tham sân cũng giảm.
Làm sao thấy thân này giả? Đọc kinh, Phật nói thân này do đất nước gió lửa hợp thành, nó sẽ hoại nên không thật. Ai cũng biết như thế, nhưng vẫn cứ tham, vẫn cứ sân, vì chưa hằng thấy thân này giả tạm, không thật. Thân này do tinh cha hợp với huyết mẹ và thần thức gá vào mà thành. Nhờ ăn cơm uống nước và hít thở không khí mà sống.
Đó là vay mượn bốn đại bên ngoài. Ăn cơm là vay mượn đất, uống nước là vay mượn nước, hít thở không khí là vay mượn gió. Mượn vô rồi trả ra, mượn mà không trả cũng không sống, trả mà không mượn cũng chết. Thở ra mà không hít vào thì chết ngay, hoặc hít vào mà không thở ra cũng chết. Không khí ở ngoài là của trời đất, mượn vô chốc lát trả ra nói là hơi thở của tôi. Mượn tách nước, ít tiếng đồng hồ trả ra nói mồ hôi của tôi, nước tiểu của tôi… Mạng sống của thân này là sự mượn trả tứ đại mà cho là mình. Có vô lý không? Cái mượn trả không phải là mình mà cho là mình thật, không si mê là gì?
Kiểm lại cái gọi là mình đang sống, có thật an ổn, hạnh phúc không? Nếu mượn trả suông sẽ cho là hạnh phúc an vui, nếu mượn trả không suông thì đau đớn, quằn quại. Vậy cuộc sống của chúng ta là gì? Có thật không? Chỉ là sự mượn trả tứ đại tạm bợ. Thế mà chúng ta cho là mình thật, chấp vào đó sanh nhơn ngã sân giận đủ thứ. Thấy như vậy không si mê là gì? Trong cuộc sống, nếu hằng nhớ mình đang mượn trả thì không lầm, đã không lầm thì không chấp. Vậy si mê ban đầu là si mê chấp ngã. Nếu thấy rõ cái ngã là thân này không thật thì bớt tham lam, bớt nóng giận, bớt si mê, sống giữa đời này bớt đau khổ.
Đó là Phật chỉ cho chúng ta thấy thân này là duyên hợp, hư dối, không thật, để chúng ta bớt si mê chấp ngã, giảm bớt khổ đau. Đó là bước thứ hai của từ bi cứu khổ mà Phật dạy và Tăng Ni trùng tụng thuyết giảng. Song, cách cứu khổ này ít người biết đón nhận, chỉ những ai khéo tiếp thu và khéo ứng dụng mới nhận được lợi ích này.
( Trích trong “Đạo Phật Cứu Khổ Chúng Sanh Bằng Cách Nào?” – Sư Ông Trúc Lâm Giảng Giải )