Phật từ trong Kinh điển nói cho chúng ta biết rất rõ ràng, các quan hệ trong gia đình như chồng vợ, cha mẹ, con cái, anh em trong đời này, đều là quan hệ Duyên Nợ với nhau.
Nếu không có cái quan hệ Duyên – Nợ này thì sao?
Thì sẽ không gặp nhau.
Do đó, chúng ta phải biết sự sống chung giữa người với người, giữa mình với người, đều phải nói đến duyên phận. Trong duyên phận này, có Thiện duyên và Ác duyên
Thế nào là thiện duyên?
Mối duyên phận này đem đến an vui, hạnh phúc cho những người trong cuộc.
Thế nào là ác duyên?
Tức là mối duyên phận này chỉ toàn đem lại khổ đau và buồn phiền cho những người trong cuộc.
Nói đến Nợ tức là có trả nợ, có đòi nợ. Trong xã hội ngày nay, chúng ta thấy được hiện tượng đòi nợ và trả nợ trong quan hệ vợ chồng rất rõ ràng.
Ban đầu khi đến với nhau chẳng phải đều rất tốt đẹp đó sao, nhưng chỉ trong thời gian ngắn thì liền trở mặt, liền chia tay.
Nguyên nhân do đâu?
Đã hết nợ, khi một trong hai người đã đòi nợ xong xuôi, và người kia cũng trả xong, thì liền chia tay, liền ra đi.
Vậy thế nào là đến với nhau để đòi nợ?
Người này trong gia đình thường rất gia trưởng, không thích làm, nhưng rất biết hưởng thụ, không thích người chồng hay vợ làm phật ý mình, nhưng bản thân thì không mấy quan tâm đến cảm nhận của người chồng hay vợ của mình.
Nếu là nợ ít, thì người này chỉ trong thời gian ngắn thì đòi xong nợ, nợ đòi xong thì liền chia tay, liền ra đi. Nếu nợ nhiều, thì có khi đến hết cuộc đời mới chịu ra đi.
Vậy thế nào là đến với nhau để trả nợ?
Người này rất mực yêu thương và lo lắng, làm tất cả mọi việc chỉ để cung phụng và phục vụ cho người chồng hay vợ của mình.
Mặc dù là người làm ra tiền, nhưng người này chẳng dám xài dù chỉ một đồng cho mình, tất cả đều dành cho người chồng hay vợ của mình.
Duyên – Nợ của vợ chồng là từ đâu đến?
Đó là từ những nhân duyên vay trả từ đời quá khứ mà đến. Đời trước ta nợ của người, nhưng lại có duyên tình ái với người, nên đời này người đến làm chồng, làm vợ của ta để viết tiếp đoạn tình ái còn dang dở của đời quá khứ, và cũng để đòi cho xong số nợ mà ta đã nợ của người.
Thế mới biết, giữa người với người không có chuyện thiếu nợ mà không trả, đời này không trả thì đời sau vẫn phải trả, đời sau không trả thì đời sau nữa vẫn phải trả. Trong truyện Hồng Lâu Mộng nói được rất hay:
_ ” Nợ người nước mắt thì phải trả lại bằng nước mắt”.
Từ đây mà biết được, chính chúng ta tu phước, chính chúng ta thọ dụng, chẳng ai có thể can thiệp vào tiến trình Nhân – Quả của chúng ta được cả.
Giờ đây đã hiểu được chân tướng sự thật Duyên-Nợ giữa vợ chồng rồi, thì trong cuộc sống gia đình hằng ngày, chỗ nợ mình thiếu đó cứ hoan hoan hỷ hỷ mà trả, đừng nên đi so đo, chấp được, chấp mất nữa.
Vì sao?
Vì biết được nếu bây giờ mình không trả, thì sau này vẫn phải trả, đời này không trả thì đời sau vẫn tiếp tục trả, vậy thì hà tất gì phải kéo dài thời gian làm khổ cho chính mình chứ. Cứ vui vẻ mà trả, nợ trả xong rồi thì phước, thì an vui liền đến.
Vậy còn người thiếu ta thì sao?
Số nợ này ta không cần nữa, bỏ qua hết cho người. Vậy thì liền được tự tại, được an vui. Có người nói rằng:
_ ” Nợ là do người thiếu của ta, nay ta bỏ qua hết cho người, vậy thì ta có thiệt thòi quá không?”
Xin thưa rằng, chẳng những không có thiệt thòi, mà còn được phước. Nếu ta không bỏ qua, quyết định đời này cùng với người nợ nần phải đòi cho bằng được. thì đến kiếp kế tiếp ta lại là người phải đi trả nợ.
Ta và người nợ nần đền trả hết kiếp này đến kiếp khác không cùng không tận. Đồng nghĩa với việc ta mãi đi trong luân hồi sanh tử chỉ để hết vay rồi trả, hết trả rồi vay cùng với người.
Vậy thì cái đòi được trước mắt không đủ để bù vào cái ta sẽ mất trong tương lai, đây là thiệt thòi quá lớn, quá lớn.
A Di Đà Phật!
Tài liệu tham khảo: Pháp ngữ của pháp sư Tịnh Không
Hoan nghênh lưu thông công đức Vô Lượng
A Di Đà Phật