Chúng tôi rất bội phục các nhà khoa học hiện đại, họ cũng phát hiện niệm lực. Sức mạnh của ý niệm vô cùng to lớn. Bản thân chúng ta chẳng biết, chính mình chẳng thể vận dụng. Nếu biết vận dụng, tập trung ý niệm một chỗ, sức mạnh ấy sẽ chẳng thể nghĩ bàn, năng lượng ấy vĩnh viễn dùng chẳng hết. Vì sao chúng ta chẳng thể cảm nhận? Vì ý niệm của chúng ta tán loạn, rất phức tạp, nên niệm lực chẳng tập trung. Do đó, trong kinh, đức Phật đã dạy: “Chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện” (Chế ngự tâm một chỗ, không chuyện gì chẳng hoàn thành). Câu này rất quan trọng! Cũng có nghĩa là nếu ý niệm của quý vị có thể chuyên nhất, năng lượng ấy sẽ phát hiện. Năng lượng vô cùng to lớn, đối với chính mình bèn có thể biến đổi thân thể, có thể trị liệu những bệnh tật nơi thân thể hoặc sức khỏe, chẳng cần dùng thuốc. Ý niệm có thể tiêu trừ và hóa giải bệnh tật. Nếu quý vị hiểu đạo lý được giảng trong Phật pháp, quý vị sẽ thấy điều này chẳng lạ lùng, mà là hiện tượng bình thường. Vì sao Phật, Bồ Tát chẳng ngã bệnh? Ý niệm của các Ngài chánh đáng, chẳng có tà niệm. Trong ý niệm của chúng ta, trong A Lại Da Thức có tham, sân, si mạn, nghi, ngũ độc phiền não; trong Mạt Na Thức có oán, hận, não, giận, phiền bực; cảnh giới bên ngoài có những thứ dụ dỗ mê hoặc như tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghê. Ba loại ấy hợp lại, bệnh liền nẩy sanh, quý vị bèn mắc bệnh. Quý vị phải biết: Trong ba thứ ấy, chỉ cần thiếu một thứ, cái nhân gây bệnh chẳng có duyên, bệnh vẫn chẳng sanh khởi được. Ba thứ ấy đều đầy đủ, bệnh tật liền hiện tiền, nguyên nhân là như thế đó. Đây chính là bệnh lý được giảng trong giáo pháp Đại Thừa, [bệnh lý] là nguyên lý gây ra tật bệnh. Câu kế tiếp là: “Chân thật chi tế giả, dĩ nhất Phật thừa vi pháp nhai tế cố” (Chân Thật Tế lấy một Phật Thừa làm pháp tối hậu). Trong giáo pháp Đại Thừa, Chân Thật Tế có tiêu chuẩn là nhất Phật thừa, nói theo thực tế thì nó chẳng có ngằn mé.
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 132
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo duyệt: Huệ Trang và Đức Phong