Trong vô lượng phương pháp tu học: Tạo tượng, công đức của việc tạo tượng chẳng thể nghĩ bàn. Chủng loại tạo tượng rất nhiều, ở đây liệt kê ra “thái họa”, tô vẽ đều được, hoặc là đúc nắn bằng đất sét, điêu khắc trên đá, giao tất (mủ, sơn) hình tượng Phật, Bồ Tát loại này cũng rất nhiều. Hiện nay kỹ thuật khoa học phát đạt, tạo thành mô hình, tạo hình tượng Phật, Bồ Tát vừa đẹp vừa rẻ. [Phần kinh văn ] phía sau [nói đến] tượng Phật đúc bằng kim loại, dùng vàng, bạc, đồng, sắt đúc thành, những tượng này có thể truyền lâu đời về sau. Đối với một người tu học thì hình tượng Phật, Bồ Tát là để nhắc nhở, giờ phút nào cũng luôn cảnh tỉnh. Chúng ta tạo một tượng Địa Tạng Bồ Tát, công đức rất lớn, giờ phút nào cũng nhắc chúng ta phải hiếu dưỡng cha mẹ, tôn kính sư trưởng. Địa Tạng Bồ Tát tiêu biểu cho hiếu đạo, giờ phút nào cũng nhắc nhở tâm địa chúng ta chứa đựng vô lượng bảo tàng, đây là hàm nghĩa của danh hiệu Địa Tạng BồTát.
Trong kinh Đại Thừa, đức Phật thường nói trong tâm tánh của chúng ta có vô lượng trí huệ, vô lượng đức năng, tài nghệ, hết thảy đều viên mãn, đầy đủ, cùng với những lời nói trong đại kinh, y chánh trang nghiêm của quả địa Như Lai chẳng hai chẳng khác, đây đều là tự tánh vốn có đầy đủ. Kinh Hoa Nghiêm nói về Hoa Tạng thế giới của đức Phật Tỳ Lô Giá Na, kinh Tịnh Độ nói về Cực Lạc thế giới của đức Phật A Di Đà, thế giới này xuất hiện như thế nào? Trong tự tánh vốn sẵn có đủ cho nên mới nói “duy tâm tịnh độ”. Chúng ta mê mất tự tánh, ngày nay chúng ta trụ trong thế giới này, tai nạn nhiều như vậy, ngũ trược ác thế, ngũ trược ác thế từ đâu đến? Cũng là duy tâm ngũ trược, chẳng lìa khỏi tâm tánh. Giác ngộ xong thì tâm tánh này biến thành tịnh độ, mê mất thì tâm tánh này liền biến thành uế độ, tướng biến thành tuy chẳng giống nhau, thể tánh của cái năng biến (chủ tể biến) chỉ là một, cho nên mới nói tịnh uế chẳng hai. Ai trụ trong “tịnh uế chẳng hai”? Người giác ngộ trụ. Còn [đối với] người mê, tịnh và uế sai biệt quá lớn. Việc này giải thích như thế nào? Người giác ngộ chẳng chấp tướng, họ trụ trong tịnh độ nhưng không chấp tướng tịnh độ, trụ trong uế độ cũng chẳng chấp tướng uế độ, cảm thọ của họ đều giống nhau. Người mê chấp tướng, trong tịnh độ thì chấp trước tướng tịnh, sanh tâm hoan hỷ; trong uế độ thì họ chấp trước tướng uế độ, họ sanh phiền não, là sự việc như vậy. Nếu bạn có thể thực sự không chấp tướng; vọng tưởng, phân biệt, chấp trước hoàn toàn buông bỏ hết thì tịnh uế chẳng hai, cảm thọ của bạn chẳng hai, thọ dụng chẳng hai. Chẳng có nói tịnh độ và uế độ biến thành một thứ, chẳng phải vậy. Tịnh độ vẫn có tướng tịnh độ, uế độ vẫn là tướng uế độ, cảm thọ của họ chẳng hai, bình đẳng thọ.
(Lược Trích Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký
– Chủ giảng: Hòa thượng Tịnh Không. Quyển Thượng.
PHẨM THỨ SÁU: NHƯ LAI TÁN THÁN: – Tập 19-Tr -459-460)