Hoà thượng Tuyên Hoá nói:
Quý vị phải biết rằng:
Nếu không nhờ có Ðịa Tạng Vương Bồ Tát lập lời thệ nguyện rộng lớn như thế, thì chắc chắn hiện giờ chúng ta vẫn còn đang chịu khổ báo trong các cõi giới của Ðịa Ngục, Ngạ Quỷ và Súc Sanh.
Chúng ta sở dĩ ngày nay được làm người đều là nhờ nguyện lực của lời đại nguyện mà Ðịa Tạng Vương Bồ Tát đã lập từ vô lượng kiếp này.
Chính nguyện lực của Ngài đã cứu chúng ta thoát khỏi chốn địa ngục, thoát khỏi đường ngạ quỷ, và thoát khỏi thân súc sanh. Tuy nhiên, chúng ta hiện nay vì chưa chứng đắc Túc Mạng Thông, cũng chưa có được Thiên Nhãn Thông, nên không thể biết được trước kia mình đã từng thọ hưởng ân huệ, đức từ bi, cùng bao nhiêu điều tốt lành và lợi lạc do Ðịa Tạng Vương Bồ Tát ban bố.
Nếu không nhờ Ðịa Tạng Vương Bồ Tát sớm lập đại nguyện này, thì chúng ta đã phải gặp rất nhiều nguy hiểm. Do đó, trong từng giây từng khắc, lúc nào chúng ta cũng phải nhớ đến việc báo đáp ân đức sâu dày của Ðịa Tạng Vương Bồ Tát!
“Trồng thiện nhân thì kết thiện quả,
Gieo ác nhân tất gặp ác báo.”
Ngoài ra, nếu quý vị kết giao toàn bạn xấu, không đàng hoàng, thì sớm muộn gì quý vị cũng bị ảnh hưởng mà trở thành người xấu. Trái lại, nếu quý vị toàn giao du với bạn tốt, thì cho dù bản thân quý vị là người xấu, dần dần quý vị cũng trở thành người tốt. Cho nên, mọi chuyện đều là Nhân Quả, quý vị chớ truy tìm đâu xa cho uổng công! Ðừng vội lên án người ta là không tốt với mình, mà trước hết hãy tự vấn lương tâm, xét xem mình có tốt với người ta hay không! Ðối với việc gì chúng ta cũng nên “hồi quang phản chiếu, phản cầu chư kỷ,” soi xét lại chính mình; chứ đừng như cái máy chụp hình, cứ mải miết chụp hình người khác, còn bản thân mình hình thù ra sao thì lại hoàn toàn mù tịt, không hay không biết!
Kẻ tà dâm vọng ngữ, kẻ lưỡng thiệt ác khẩu. Chúng ta phải luôn luôn nhớ là đừng bao giờ phạm tội “lưỡng thiệt, ác khẩu” (nói lưỡi đôi chiều, nói lời hung ác). Thế nào là “lưỡng thiệt”? Thí dụ, với người này thì quý vị dùng “bộ mặt” này, với người khác thì quý vị lại giở “bộ mặt” khác – gặp Giáp thì nói xấu Ất; gặp Ất thì chê bai Giáp – như thế là quý vị phạm tội “lưỡng thiệt, ác khẩu.” Hoặc là quý vị dèm pha, dùng lời nói để gây hiềm khích, chia rẽ nội bộ, phá hoại sự đoàn kết của một tập thể đến nỗi tổ chức phải tan rã – đó cũng là phạm tội “lưỡng thiệt, ác khẩu” vậy.
Về tội “lưỡng thiệt, ác khẩu,” thì nghiêm trọng nhất là khoản “phá hòa hợp Tăng.” Thế nào gọi là “phá hòa hợp Tăng”? Người cư sĩ tại gia thì không được rao nói lỗi của người xuất gia – những vị Tỳ Kheo và Sa Di đã thọ giới Sa Di hoặc giới Bồ Tát. Bởi quý vị học Phật Pháp là học từ những người xuất gia, từ các vị Tỳ Kheo và Sa Di này; cho nên, quý vị không được học Phật Pháp rồi sau đó lại đi phá hoại Phật Pháp, gây sự xích mích trong đoàn thể Tăng Già. Nếu quý vị dùng lời nói làm cho Tăng Già trở nên bất hòa, tức là quý vị đã “phá hòa hợp Tăng,” và mắc tội “lưỡng thiệt, ác khẩu” vậy.
Trong Phật Giáo, “phá hòa hợp Tăng” là một trong năm tội nghịch nghiêm trọng nhất (Ngũ Nghịch Tội); và đó là:
1) Giết cha mình (thí phụ);
2) Giết mẹ mình (thí mẫu);
3) Giết bậc đã chứng quả A La Hán (thí A La Hán);
4) Làm mất sự hòa hợp giữa chư Tăng với nhau (phá hòa hợp Tăng). Ví dụ, với vị Sư này thì quý vị kể lể những khuyết điểm, sai sót của vị Sư kia, rằng vị ấy có lỗi với vị này như thế nào…; còn với vị Sư kia thì quý vị lại mách những nhược điểm, thiếu sót của vị Sư này, rằng vị này có lỗi với vị kia như thế nào, đố kỵ chướng ngại ra sao… khiến cho giữa những người xuất gia không còn sự hòa thuận, chư Tăng không thể cùng ở chung (cộng trụ) với nhau được nữa, và rốt cuộc là Tăng đoàn bị chia rẽ, phân tán – như thế là quý vị đã “phá hòa hợp Tăng” vậy.
NAM MÔ ĐỊA TẠNG VƯƠNG BỒ TÁT.
Nguồn: Hoa sen