Khi một người hiểu đạo nhiều rồi thì cái thôi thúc đầu tiên trong lòng là làm phước. Hiểu đạo sâu chừng nào thì sự thôi thúc lớn chừng ấy, càng ước mơ làm được nhiều việc phúc giúp đời, giúp người. Một người đệ tử Phật chân chính sẽ không bao giờ là người lười biếng, không muốn ở không mà bên trong luôn thúc đẩy cứ phải làm phước.
Làm phước, trước hết để chuyển nghiệp của chính mình, để cuộc đời ta đi lên từ từ. Cứ mỗi kiếp sau sẽ hạnh phúc hơn kiếp này; trí tuệ hơn; dung mạo uy nghi hơn; uy đức lớn lao hơn. Từ phàm lên Thánh là một chặng đường rất dài, ta chẳng những phải đủ phước để ngay khi còn là phàm phu, ta là phàm phu phi thường. Rồi có lúc sẽ vượt khỏi thân phận phàm phu để trở thành vị Thánh đắc đạo cao siêu. Tất cả đều bắt đầu từ việc làm phước. Nếu không làm phước, ta tiếp tục trôi lăn, ta nói bậy, nghĩ bậy.
Đừng nghĩ cái tâm ta là của ta, đừng tưởng những ý nghĩ trong đầu ta là của riêng mình, tự mình tạo ra không ai biết. Ý nghĩ trong đầu mình chính là do nhân quả mà thành. Có những khi ta nghĩ những chuyện tốt đẹp, có những lúc ta nghĩ chuyện xấu xa làm ta cũng phải giật mình, tại sao ta lại có suy nghĩ đến kỳ quặc như vậy, vì nhân quả. Đó là do ta đã phạm lỗi gì đó của hôm nay, hôm qua, hôm kia, tuần trước, hay tháng trước… ta lỡ xúc phạm một bậc đáng kính nào đó mà tâm ta thay đổi, tự nhiên ý nghĩ bất thiện khởi lên một cách tự nhiên, như thành bản chất của mình, như mình đã từng là người xấu xa vô đạo đức.
Một người luôn nghĩ điều tốt, điều thiện, từ bi, nghĩ về đạo đức là do phước. Trong từng ngày của đời sống, ta đều giữ gìn tâm hạnh kỹ lưỡng, lễ kính Phật, khiêm nhu, không dám xúc phạm đến ai. Tự nhân quả nó tạo nguồn tư tưởng tốt trong tâm, lời nói tốt, hành vi tốt, rồi phước cứ tăng dần mà đi lên.
Có người thời gian trước là người tốt, thời gian sau gặp lại, người đó thay đổi theo chiều hướng xấu, ta biết người này phúc đã hết. Người phúc còn, tâm hồn ổn định, đi lên dần dần. Nếu không làm phước, biểu hiện xấu đầu tiên là tâm ta xấu, nhân cách xấu, đạo đức xuống, giá trị ta tụt luôn. Một khi tâm xấu sẽ làm nhiều chuyện sai lầm. Nghiệp chồng lên nghiệp, cuộc đời ta chắc chắn bị đọa lạc. Vì vậy, ngưng làm phước một giờ là nguy hiểm tới luân hồi của ta liền. Đó là lý do mà người Phật tử càng hiểu đạo, càng hiểu nhân quả chừng nào thì càng bị thôi thúc trong lòng là phải làm phước.
Tuy nhiên, làm phước lại không dễ. Có người hiểu đạo, rất muốn làm phước mà không có điều kiện để làm, không phải ai muốn làm phước cũng được. Ta phải làm từng bước để đến khi phước của ta lớn mênh mông, ta có thể giúp mọi người trên cuộc đời này, làm thành đại phước. Ta làm từng chút như từng giọt nước, rồi ta có một bát nước, sau có một lu nước, rồi sẽ có một ao nước, sẽ có một dòng sông, ta sẽ có một biển cả. Ta lúc nào cũng khát vọng làm được nhiều việc phước cho đời, nhưng khôn ngoan làm từng chút một “Có phước nhỏ rồi mới làm được phước lớn hơn”.
Một người phải có nhiều yếu tố mới làm phước được, chẳng hạn phải có tiền bạc, trí tuệ, sức khỏe, nghề nghiệp, tấm lòng, v.v… Đó là bao nhiêu điều ta cần học tập, trau dồi, tu dưỡng để thành một người có đủ khả năng xoay sở làm phước trong mọi tình huống, tức gặp ai trong trường hợp nào mình cũng có thể giúp được hết. Nếu ta chủ quan, hẹp hòi, cố chấp, thiển cận, biết ít thứ thì ta không thể làm phước được nhiều. Ví dụ muốn bố thí thì phải có tiền, tiền cũng do phước mà ra. Ta có phước thì có lộc, dễ xoay sở làm ra tiền.
Người biết tu, đầu tiên là phải biết bố thí từng chút một. Nếu ai không bố thí từng chút một thì nghiệp của mình chưa vỡ ra được. Căn bản nhất của làm phước vẫn là bố thí. Có bố thí rồi, những phước khác từ từ mở ra. Trong Lục Độ Ba La Mật, Đức Phật dạy hạnh bố thí là đầu tiên. Phật dạy không ai nghèo đến mức không có một hạt cơm bố thí cho con kiến. Ta vẫn có thể bố thí nhiều hơn. Khi ta phát tâm làm phước, bố thí đều đặn trong 3 năm, nghiệp của ta bắt đầu chuyển, xuất hiện quả báo là muốn gì được nấy (Hể cái muốn vừa chừng thì cái đó đến với ta một cách tự nhiên). Nếu cứ làm phước trong sự ổn định mười năm, hai mươi năm, sống một đời đạo hạnh thì uy lực xuất hiện, ai thấy cũng nể mặc dù họ không biết mình là ai. Khi mở một tiếng nói cầu xin cho ai thì Chư thiên đáp ứng liền, còn phần mình thì không cầu cho mình mà cầu cho người khác, đời sống của họ trở nên vị tha trong từng ý nghĩ. Người đó đi đâu đều được quỷ thần ủng hộ, Chư thiên dòm ngó.
Một bậc chứng Tu Đà Hoàn tức một người bước vào dòng Thánh, họ chỉ muốn ban tặng thôi chứ không muốn cất giữ cho mình, ngược lại, đối với người phàm thì lấy việc cất giữ – thọ nhận làm niềm vui. Vì vậy từ một người phàm phu mà chuyển thành một bậc Thánh, ta phải chuyển từ niềm vui sống thụ hưởng lật ngược lại trở thành ban cho hiến tặng. Cái lật ngược lại rất khó và ta phải làm từng chút một cho thành thói quen, vui vì giúp đời, giúp người, không sống cho mình nữa.
Muốn công quả phải có sức khỏe và có nghề. Vì vậy, sống trên đời chúng ta phải có một cái nghề, không cần bằng cấp nhưng cũng phải có chuyên môn một chút và vừa có sức khỏe, ta sẽ dễ công quả ở chùa, cũng như phục vụ ngoài xã hội. Chúng ta làm việc trên tinh thần yêu công việc mình làm, không phải làm công việc mình thích. Thì người như vậy bắt đầu nghiệp chuyển, ta sẽ được may mắn hơn trong cuộc sống. Vì vậy người đệ tử Phật chân chính phải siêng năng rèn luyện thể lực, ta không thể là đệ tử Phật mà cơ thể gầy yếu bệnh tật rồi không giúp gì được cho người, cho đời. Hãy siêng năng làm phước sẽ thấy cuộc đời mình vui hơn. Người bị tâm lý trầm uất là do lười nhác.
Muốn dạy bảo thì phải có kiến thức. Muốn có kiến thức thì phải học. Từ nhỏ mình không siêng học thì lớn lên muốn dạy bảo ai sẽ không thành công. Người đệ tử Phật phải siêng học tập. Nhỏ thì học ở trường, lớn thì học đạo lý, học kiến thức xã hội, biết hết từ nội điển đến ngoại điển thì sau này một lời mình khuyên ai sẽ rất hợp lý. Còn chúng ta nói một chiều sẽ không thuyết phục mọi người. Điều quan tâm của họ chỉ là xã hội, khoa học, chính trị, mà nếu ta không có bề dầy kiến thức thì không kết nối với họ giữa cái đạo lý của Phật với kiến thức khoa học, chính trị, xã hội được.
Đời là phù du giả tạm nên có vinh quang, có làm phước đến cỡ nào, rồi cũng hết. Do đó mục đích cuối cùng, ý nghĩa cuối cùng ta tìm đến là Giác ngộ tâm linh, thành vị Thánh siêu phàm vượt khỏi trầm luân sinh tử. Chứ làm phước cho nhiều rồi trôi lăn hưởng phước vô ít, trong lúc trôi lăn cũng tạo nghiệp và trả quả cực lắm. Nên thôi, làm gì thì làm cuối cùng phải tu và nhìn chúng sinh muốn ai cũng phải tu. Nếu chỉ mình ta biết tu thì không bao giờ tu yên, do duyên đời ràng buộc mình đã mang nợ biết bao nhiêu người trong cuộc đời này. Trong kinh Kim Cang Phật dạy, muốn an trú tâm phải độ hết chúng sinh. Không ai được tu một mình. Mọi người mỗi lần đi chùa phải rủ mọi người đi theo. Muốn độ chúng sinh, thuyết phục chúng sinh tu theo, đạo hạnh ta phải sâu dày, phải rất tinh tấn tu tập.
Khi làm phước, phước đến ta không hưởng, làm phước tiếp, nhờ vậy ta chuyển được nghiệp. Khi gặp nạn ta cầu xin Bồ Tát Quan Âm và được tai qua nạn khỏi, như vậy là ta đã được Ngài cho mượn phước. Vậy để thành một vị đại Bồ tát phước phải vô tận. Và để làm điều đó ta phải bòn từng chút phước ngày hôm nay mà chuyển nghiệp của mình, quyết không làm người bình thường nữa. Phước bảo vệ ta không làm điều xấu, không nghĩ xấu, tâm ta từ từ thay đổi. Ta cứ làm phước mãi cho đến ngày ta làm Thánh để có thể cứu giúp tất cả chúng sinh.
Có người làm phước lớn rồi không thành Bồ tát mà thành ma vương, vì phước lớn vô tận sẽ có 5 hệ quả kèm theo, đó là: kiêu mạn, cao ngạo, ác độc, tham lam, thủ đoạn. Họ dùng phước vơ vét, bóc lột chúng sinh. Vì vậy, chúng ta phải vừa làm phước vừa tu Thiền định vô ngã thì mới thành Bồ tát.
Như vậy, ý nghĩa của làm phước là để chuyền nghiệp, để bảo vệ tâm hồn mình, để làm Thánh, v.v…. Mà làm phước bắt đầu từ việc rất nhỏ, nếu ta làm được hai điều trong tâm là kính trọng người giỏi hơn mình và yêu thương người kém hơn mình thì từ từ con đường phước mở ra thênh thang.
Nguồn Trang ĐỆ TỬ THIỀN TÔN PHẬT QUANG