Khi ta bị người khác mắng, ta không tìm ra nguyên nhân thực sự của lời mắng, của cơn nóng giận đó. Đây là cái ‘’cạn nghĩ’’ thứ nhất. Cái cạn nghĩ thứ hai là ta mắng lại người ta mà không biết điều gì đang diễn ra trong tâm họ. Do vậy, “cạn nghĩ‘’ chính là không nhìn thấy rõ quá khứ cũng như tương lai; không nhìn thấy nguyên nhân và cũng không thấy rõ hậu quả.
Người không cạn nghĩ thì ngược lại, họ hiểu nguyên nhân và biết luôn được hậu quả. Ví dụ, một số người tự dưng lại tìm đến và tốt với ta một cách kì lạ. Những người không cạn nghĩ thay vì vội vàng nhận lấy lòng tốt đó, họ lại đi tìm nguyên nhân, mục đích của những người kia. Trên đời này, chỉ trừ những bậc Thánh là vị tha thật sự. Cái tốt của các Ngài xuất phát từ trong đạo lí. Còn nhiều người, khi tốt với ta là họ đều có mục đích riêng. Có thể họ đang muốn vay mượn, hoặc họ tìm cách tiếp cận với người trong gia đình ta để nhờ vả, hoặc họ đang ngắm nghía gia tài của ta… Đó là những khả năng có thể xảy ra. Sau khi xem xét kĩ lưỡng, chấp nhận lòng tốt từ người khác, người không cạn nghĩ sẽ biết những người kia sẽ nói gì và dẫn dắt mình đi đâu. Nghĩa là lúc nào họ cũng nhìn xa trông rộng, biết đặt mình vào nhiều tình huống.
Một điều rất thực tế là sống ở đời, ta cứ nhìn cho ra hết những mặt xấu đi rồi mới giữ được lòng mình trong đạo đức, mới biết cách đối nhân xử thế sao cho phù hợp với từng người. Vậy mới vừa khôn ngoan, vừa đạo đức. Để thành công với vô số việc khó hơn, lớn hơn trên đời thì việc biết nghĩ sâu nhìn rộng chính là một điều cần thiết.
Không riêng gì cách đối nhân xử thế, ngay việc tu hành cũng vậy, chỉ những người biết nhìn xa trông rộng mới có thể tiến xa trên con đường tu tập đạo hạnh. Người cạn nghĩ chỉ mãi luẩn quẩn, dậm chân một chỗ mà thôi.
Người cạn nghĩ, không chịu tu tập cho tinh tấn, nghe theo những lời dẫn dụ không cần tu, sau này cũng chỉ là bóng mờ trong gia đình, trong cộng đồng,. Hết phước, cuộc sống của họ sẽ trở nên bế tắc. Chưa kể đến lúc chết đi, linh hồn của họ chỉ là những bóng ma đói vật vờ, không nơi nào chứa. Như vậy, không cạn nghĩ chính là biết nhìn ngược về quá khứ, nhìn xa vào tương lai khi tiếp nhận một sự việc. Đồng thời, biết được nguyên nhân và lường trước được hậu quả của nó.
Trên đường đời, không ít lần ta gặp những cảnh khổ của đồng loại, dù họ không cầu xin, nhưng nếu ta đi qua luôn, xem như không thấy thì ta đã gieo một cái nhân đau khổ, và hiện tại đạo đức của mình cũng đã mất rồi. Những lúc như thế, ta đừng bỏ mặc họ, hãy hỏi han, giúp đỡ để gieo một cái nhân tốt. Đấy vừa là đạo đức, vừa giúp ta tránh bị quả báo về sau. Tức là điều gì thoáng qua trong đời, ta cũng phải nhìn cho thấu cái quả để xử lí mọi việc cho thấu đáo. Đó mới gọi là không cạn nghĩ trong đạo đức. Không cạn nghĩ trong đạo đức mang lại cho ta quả báo là không cạn nghĩ trong tài năng. Tự nhiên, ta có cái trí để lường trước mọi việc, khiến mọi tính toán trong cuộc sống của ta đều đúng đắn, thành công. Nhân quả là vậy.
……
Tất cả những điều tốt đẹp trên đời đều bắt nguồn từ cái nhân là không cạn nghĩ trong đạo đức. Từ cái nhân này, ta gặt hái được cái quả không cạn nghĩ trong cuộc sống, trong tài năng và cả trong sự tu tập. Nhờ vậy, người tu hành sẽ cực kì thông minh, tinh tế, sâu sắc. Dù họ chưa đắc quả Thánh nhưng họ biết mình đang đứng ở vị trí nào và sẽ đi qua những bước nào. Lường trước được những điều này, ta sẽ có những bước đi rất ổn định, kín đáo, nhẹ nhàng, không ảo tưởng, không kiêu mạn. Đó gọi là người không cạn nghĩ trong tu tập.
Nguồn Trang ĐỆ TỬ THIỀN TÔN PHẬT QUANG