Một, bạn hãy hướng tâm đến bất cứ một chúng sinh nào, không có một chút liên quan gì với mình và tác ý khởi lên lòng yêu mến đối với chúng sinh đó. Trong lòng yêu mến hướng về chúng sinh đó, bạn không nghe lòng mình đòi hỏi nơi họ bất cứ sự đáp ứng nào, cũng không cần họ biết rằng bạn đang thương mến họ. Chỉ có một sự thương yêu trìu mến, ưu ái, chứa chan, thắm thiết của bạn dành cho họ một cách thuần khiết vô nhiễm mà thôi.
Hai, bạn hướng tâm đến những người quen biết trong cuộc đời mà từ lâu bạn vẫn phớt lờ đối xử hời hợt với họ, để trải lòng thương mến với họ.
Ba, bạn hướng tâm đến từng người từ lâu ác cảm với bạn, hoặc đã mưu hại bạn. Phải khởi tâm chân thành bình đẳng đối với họ như những chúng sinh khác. Thoạt đầu bạn sẽ nghe tình thương mới này đụng chạm với niềm thù hận bấy lâu, nhưng sau giây phút tỉnh giác, niềm thù hận cũ sẽ tan để nhường chỗ cho tình thương ngự trị.
Bốn, bạn hướng tâm đến những thú vật lớn, những côn trùng nhỏ, những ngạ quỷ vô hình, những chúng sinh ở địa ngục. Khi khởi tâm thương mến những chúng sinh bất hạnh này, liền đó có niềm xót xa thương hại kèm theo. Từ đã sinh ra bi. Thương yêu đã sinh ra thương xót.
(Từ là thương yêu mọi loài một cách bình đẳng không điều kiện.
Bi là thương xót khi thấy chúng sinh đau khổ.)
Năm, bạn lại tâm nguyện rằng bất cứ nơi nào có sự hiện diện của chúng sinh, nơi đó có tình thương của bạn. Ngày nào đó, một cách không cố ý, khi lòng từ bi của bạn thành tựu thì sẽ trùm phủ vô hạn trong pháp giới.
Nếu mới ban đầu chúng ta quán tưởng Từ tâm trùm khắp vô lượng, Từ tâm này chỉ có chiều rộng mà không có chiều sâu. Phải đi qua năm giai đoạn vừa kể, Từ tâm đó mới có đầy đủ bề sâu và bề rộng.
Trích sách: Luận về nhân quả – TT. Thích Chân Quang.