Từ trước đến nay chúng ta cũng thường thấy trong xã hội, người trong cùng một nhà luôn đấu đá lẫn nhau, tranh cãi nhau, cái này đúng là chẳng phải oan gia thì sẽ không gặp nhau. Tại sao người trong một nhà thường chẳng hoà hợp với nhau? Đây chính là quả báo của khẩu nghiệp, là do đời trước đã nói lời thô ác nên đời này phải chịu lấy quả báo bị người khác dùng lời thô ác để đối xử lại.
Vậy thế nào là lời thô ác? Là những lời thô tục dùng để mắng nhiếc, để nguyền rủa, để miệt thị khinh khi người khác. Đa phần mỗi khi nổi sân hận con người đều dùng lời thô ác để đối phó như là một cách để thoả mãn cơn giận của chính mình. Thế nhưng lại ít ai biết rằng, một khi lời thô ác vừa thốt ra thì bao nhiêu phước đức và âm đức mà mình vất vả mới có được đều sẽ bị thiêu đốt mất hết, mà phước mất rồi thì họa sẽ liền kéo đến.
Cho nên, nếu trong đời này không chịu giác ngộ tu lấy khẩu nghiệp của chính mình thì tương lai sẽ còn gặp phải nhiều phiền phức hơn nữa. Phiền phức gì vậy? Đó là gia đình sẽ ngày càng lụi bại, và uy tín của mình sẽ theo đó mà tuộc dốc không phanh. Vì sao gia đình lại bị lụi bại? Vì đã tổn mất đi phước đức và âm đức của chính mình. Cổ Đức có câu:
– Hoạ là từ miệng mà ra.
Vì thế, việc quan trọng trước tiên là phải khéo giữ lấy khẩu nghiệp của chính mình. Nói đến khẩu nghiệp thì ngoài ác khẩu nói lời thô tục ra, còn bao gồm cả nói láo, nói lưỡi đôi chiều và nói lời thêu dệt nữa. Cho nên nói đến khéo giữ khẩu nghiệp là ta phải đem 4 thứ này giữ lấy cho thật tốt, dù trong hoàn cảnh nào cũng quyết không phạm phải. Người khéo giữ lấy khẩu nghiệp thì cuộc sống sẽ có nhiều an vui, sẽ tránh được rất nhiều tai họa từ bên ngoài đưa đến, sẽ tích chứa được rất nhiều phước đức và âm đức cho chính mình và cho cả gia đình.
Vậy phải làm sao để khéo giữ lấy khẩu nghiệp? Trong cuộc sống hằng ngày mỗi khi giao tiếp với mọi người cần phải nói lời chân thật, dù là nói cho vui hay để đẹp lòng người khác cũng quyết không nói dối.
Khi gặp phải những chuyện không như ý khiến cho tâm sân giận bùng phát cũng đừng dùng lời thô ác để mắng chửi người khác.
Bất cứ chuyện gì dù là trực tiếp nghe hay do người khác kể lại cũng phải làm cho được “Nghe mà không nghe”, không nên đi khắp nơi gây tạo thị phi.
Dù là vì lợi ích của mình hay là vì lợi ích của người khác, cũng không nên đặt điều thêu dệt nói không thành có. Càng không nên dùng những lời nói bóng bẫy đưa đẩy khiến cho người khác hả lòng vui dạ, để hòng tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của họ mà trục lợi.
A Di Đà Phật!
Tài liệu tham khảo: Pháp ngữ của pháp sư Tịnh Không