Theo nhận thức tham vọng của người đời hay ngoại đạo, họ không hiểu tại sao đạo Phật không có giáo quyền, giáo sản, không ép buộc, đe dọa, dụ dỗ, mà lại tồn tại lâu dài, truyền bá rộng rãi. Không hiểu tại sao giàu có như Cấp Cô Độc lại cúng vàng xây tinh xá cho Phật mà chẳng thấy ông được quyền lợi gì.
Cách nhìn thứ hai của Thánh chúng thường được diễn tả bằng câu chỉ có người uống nước mới cảm nhận được mùi vị như thế nào. Người ngoại cuộc như phàm phu, ngoại đạo mang cặp kính nghiệp làm sao biết được. Hàng đệ tử theo bằng chân tình mới hiểu đạo Phật, theo do hoàn cảnh không thể sống lâu dài trong đạo.
Chỉ người tu chân chính mới thấy Phật và Thánh chúng ngồi yên lặng trong rừng Thệ Đa, không nói, không làm, nghĩa là tu Thiền. Ngồi như vậy, họ hiểu được Phật. Ngồi mà không hiểu thì một lúc chán cũng bỏ đi, ngoại đạo khó thâm nhập Phật đạo là vậy.
Phật và Thánh chúng tọa Thiền tạo thành cuộc sống hỷ lạc, ngồi nhiều năm cũng cảm thấy không đủ, không chán. Thật tu chúng ta dễ hiểu điều này. Người say mê Thiền quán, vui thích chánh pháp mới thấy được những gì khác hơn người thường. Họ đắc đạo nên tâm họ và Phật cảm thông, đó là tâm Phật ấn tâm đại chúng và tâm của Phật truyền qua đại chúng, kinh gọi là Phật phóng quang gia bị. Nhờ vậy, tâm họ yên tĩnh lạ lùng, thần họ minh mẫn, sáng thêm. Theo tôi, điểm này quan trọng nhất đối với người tu, nếu không cảm nhận như vậy, e rằng khó tu lâu. Cuộc đời tôi từng kinh nghiệm, khiến tôi nhận chân được giá trị Phật ấn tâm, Phật hộ niệm. Thật vậy, có những lúc cực kỳ khó khăn, nguy hiểm, người sợ, nhưng tôi rất tỉnh táo, không cảm thấy sợ bất cứ thế lực nào. Và tôi bình tâm giải quyết thoả đáng từng việc thích hợp với từng lúc.Thiết nghĩ, trên bước đường tu, gặp việc vui ta vui, gặp buồn ta buồn, thì dù có khoác áo tu sĩ cũng chưa hẳn là người tu. Vì điểm đặc biệt của người tu, tâm lúc nào cũng bình ổn, hoàn cảnh nào cũng tự tại, loé lên tia sáng để giải quyết việc khó.
Thánh chúng sống đạm bạc, không có quyền lợi gì, nhưng hoàn toàn an vui. Đó chính là tinh thần Đại thừa phát triển để hình thành thế giới quan của Hoa Nghiêm gọi là Nhập Pháp giới. Tại sao sống hẩm hiu, tu cực khổ nhưng có sức thu hút người tu chịu nổi. Thực tế, người an trú lâu trong đạo có nguồn vui riêng và lý tưởng để sống. Còn người thường không tìm thấy niềm vui đạo, tu một lúc rồi cũng bỏ cuộc.
Người tu sĩ Nhật có câu phương châm : Khi tâm hồn yên tĩnh thì cái thấy của chúng ta sáng ra, thấy cái đẹp. Thế giới người tu đạt đến trạng thái tâm hồn yên tĩnh, sáng ra là thế giới của Hoa Nghiêm hay pháp giới. Và với tâm hồn Hoa Nghiêm nhập pháp giới, phóng khoáng, bao la, dung được các pháp, tất cả đều đẹp. Từ đó, dưới cái nhìn theo Hoa Nghiêm, Thánh chúng ngồi xung quanh Phật dưới gốc cây, tâm hồn nhẹ nhàng, sung sướng, hình thành được thế giới đẹp, trong sáng, từ cọng cỏ, cho đến dòng suối, con cá, con chim, hòn đá… không có gì không đẹp. Hàng trí thức bỏ ngoại đạo trở về theo Phật cũng vì nhận được hạnh phúc vô giá ấy. Họ cảm đức của Phật, nhận được tình thương bao la của Ngài và Thánh chúng tạo thành thế giới an vui giải thoát. Trái lại, theo ngoại đạo họ luôn kẹt trong tham vọng, nghĩ đến khống chế, mua chuộc người, nên tâm hồn không yên tĩnh thì thế giới của họ luôn đen tối.
Đức Phật không bắt ai theo, người tự nguyện theo Ngài vì họ được an lành, thanh thản. Nhập pháp giới hay đi vào thế giới bao la của Phật, thế giới của tình thương, của trí tuệ.
Trích : LƯỢC GIẢI KINH HOA NGHIÊM
Phẩm Nhập Pháp Giới
Hòa thượng Thích Trí Quảng