Người Ấn Độ thời đó có tục lệ là đôi khi gọi tên ai đó bằng tên cha mẹ đặt rồi cộng với cái tên của cha hoặc của mẹ. Ví dụ ngài Xá Lợi Phất tên là Upatissa nhưng ngài cũng có tên là Sariputta, nghĩa là con của bà Sari. Em trai ngài là Upasena, đôi khi lại có ngoại hiệu khác là Vangantaputta nghĩa là con ông Vanganta. Thanh niên này tên là Subha nhưng vì là con của ông Todeyya nên người ta còn gọi là Subha Todeyyaputta.
Todeyya là một triệu phú rất giàu có ở Savatthi. ông luôn luôn dạy con câu này: “Añjanānaṃ khayaṃ disvā, vammikānañca sañcayaṃ; Madhūnañca samāhāraṃ, paṇḍito gharamāvase”. Từng giọt nước gom nhiều sẽ đầy. ổ mối do tích lũy lâu ngày mà thành. Mật ong cũng do bày ong gom ít thành nhiều. Vì vậy người thông minh thì phải biết tích lũy tài sản theo cách tiết kiệm. (Añjanā: thuốc nhỏ mắt; Vammikā: ổ mối; Madhu: mật ong). Những hang động thạch nhũ như ở Phong Nha, Quảng Bình là do nước từ tràn hang nhỏ xuống, mỗi lần một ít. Lâu ngày làm thành những cột đá to. Nước nhỏ lâu ngày có thể xoi thủng đá. ông Todeyya dạy cho con cái như vậy nghĩa là phải tích lũy, không cho ai cái gì.
ông có chôn năm hũ vàng mà quên nói con trước khi chết, nên sau đó sanh lại làm con chó trong nhà. Do linh cảm nên Subha cực kỳ thương con chó. Bữa nọ, Đức Phật đi bát ngang qua con chó chạy ra sủa. Đức Phật nói: “Hũ vàng để đâu thì chỉ cho con nó biết, đừng có sủa Như Lai, như vậy là gây thên ác nghiệp đó!” Với Phật lực chiêu cảm con chó nghe hiểu và buồn không thiết ăn uống. Khi Subha đi công việc về thấy con chó buồn, hỏi người nhà thì được biết: “Sáng nay thấy Sa-môn Gotama đi ngang nói gì đó nên con chó như vậy.” Subha nghe rất giận liền đi vào chùa kiếm Đức Phật, nhưng khi vô gặp Ngài thì Subha phát tâm hoan hỉ. Đức Phật nói cho Subha biết con chó đó là cha của anh ta. Ngài bảo Subha đem đồ ăn cho chó ăn và nói nó chỉ chỗ vàng chôn.
Subha làm theo và từ đó khởi niềm tín tâm nơi Đức Phật, quy y theo Ngài xin học đạo. Chính Subha là người đã hỏi Đức Phật 14 câu hỏi nổi tiếng: Vì sao ở đời có Kẻ giàu người nghèo, kẻ ngu người trí, kẻ thọ người yểu … tất cả là 14 câu. Đức Phật trả lời: Có bố thí thì giàu, không bố thí thì nghèo. Để tâm học hỏi sẽ là người trí, không tha thiết kiến thức sẽ là người ngu. Sát sanh nhiều thì yểu, giữ giới sát thì thọ, sống lâu. Đây là bài kinh rất nổi tiếng.
Theo chánh kinh, thì sau khi Thế Tôn nhập diệt không bao lâu còn theo chú giải thì -“uddhaṃ māsamatte kāle”- trong khoảng thời gian hơn một tháng sau ngày Thế Tôn viên tịch, thanh niên Subha biết ngài Ānanda đang ở chùa Kỳ Viên bèn cử người tới hỏi thăm và mời ngài Ānanda về nhà. Subha khi gặp ngài Ānanda, ngoài những câu thăm hỏi, có hỏi thêm ngài Ānanda về Đức Phật, Ngài đã bệnh gì, ăn uống ra sao trước khi viên tịch. Sau đó Subha hỏi ngài Ānanda: “Ngài theo hầu Thế Tôn rất lâu ngày, vậy ngài có thể gom gọn cho con toàn bộ giáo pháp, con đườna tu chứng mà Thế Tôn đã giảng dạy cho đệ tử suốt cả một đời, pháp nào quan trọng nhất? Ngài Ānanda trả lời: “Tam học – gồm giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn. Đây là cốt tủy của Phật pháp.” Và ngài Ānanda đem bài kinh Sa-môn quả giảng cho Subha nghe. Subha nghe xong một lần nữa xin lặp lại lời phát nguyên quy y Tam Bảo.
Thời Đức Phật có nhiều Phật tử sau khi nghe pháp xong thì họ có kiểu quy y rất lạ. Ví dụ, lúc xưa những người mẹ thường thưa với Đức Phật: “Bạch Thế Tôn, con xin quy y Thế Tôn, đứa bé trong bụng con cũng quy y Thế Tôn”, và Đức Phật im lặng nhận lời. Sau này đứa bé lớn lên, đi chùa nghe pháp và thưa với Đức Phật: “Bạch Thế Tôn năm xưa khi mẹ con có mang con, đã đến lễ bái Thế Tôn và sau này mẹ con có kể là lúc đó mẹ con có quy y giùm con từ trong bụng mẹ. Bạch Thế Tôn lẽ ra năm xưa con quy y Thế Tôn một lần rồi, bây giờ trước mặt Thế Tôn con xin quy y một lần nữa.” Kiểu quy y lần hai này rất nhiều.