Quý vị nghĩ xem, pháp môn nào thành tựu thù thắng như pháp môn Niệm Phật? Điều này bày ra ngay trước mặt chúng ta. Phật pháp thường nói “Tam chuyển pháp luân”:
– Thị Chuyển: Thị là khai thị, giảng cho quý vị nghe. Người căn tánh bậc thượng vừa nghe liền tin tưởng, hiểu rõ.
– Loại người thứ hai cần phải khuyên. Phải vất vả khuyên lơn thì kẻ ấy mới tin tưởng, đó là loại người thứ hai. Điều này gọi là Khuyến Chuyển.
– Còn có một hạng người, khuyên họ, họ cũng chẳng tin, người ấy phải thật sự trông thấy sự thật thì mới tin tưởng. Do vậy, đối với loại thứ ba phải thực hiện Chứng Chuyển, tức là nêu ra bằng chứng cho người ấy thấy, người ấy mới tin tưởng. Nêu ra chứng cứ cho kẻ ấy thấy mà kẻ ấy vẫn chẳng tin thì không có cách nào hết! Phật cũng chẳng có cách nào độ kẻ ấy!
Pháp môn Niệm Phật có chứng cớ rất nhiều. Hành nhân niệm Phật biết trước lúc mất, tự tại Vãng Sanh rất nhiều. Chúng tôi chính mắt trông thấy, tự mình nghe thấy, quyết định chẳng phải là giả, rất ư là nhiều! Đã Chứng Chuyển mà vẫn chẳng tin thì kẻ ấy nghiệp chướng quá nặng! Cứ thong thả, chẳng biết là đời nào, kiếp nào, người ấy mới có thể đắc độ. Cam lão cư sĩ ở Cựu Kim Sơn (San Francisco) có kể cho tôi nghe chuyện một người thân thích của cụ, cũng là một bà cụ, lúc niệm Phật Vãng Sanh bèn ngồi xếp bằng, biết trước lúc mất. Cụ biết trước lúc mất ra sao? Cụ mất trong đêm, sáng ngày hôm sau, người nhà phát hiện bà cụ ngồi xếp bằng trên giường, đã Vãng Sanh. Từng bộ tang phục của mỗi người trong nhà đều xếp sẵn trước giường, cụ đã may sẵn từ lâu rồi. Cụ biết sẽ đi lúc nào, đó là chuyện thật, chẳng giả!
Pháp Sư Sướng Hoài ở Hương Cảng nói người độ thầy ấy là một vị lão cư sĩ. Sư trông thấy chuyện ấy mới niệm Phật, Sư thuộc loại người thứ ba. Sư là học trò của cụ Đàm Hư. Cụ Đàm Hư kể bao nhiêu chuyện, Sư chẳng tin, ắt phải chính mắt trông thấy một trường hợp mới tin tưởng. Năm trước, Pháp Sư kể với tôi: Vị lão cư sĩ ấy thường đến Đồ Thư Quán của Sư mượn Kinh. Sư thấy vị lão cư sĩ ấy Vãng Sanh, mới tin tưởng niệm Phật, nay Sư niệm A Di Đà Phật chẳng hoài nghi. Kể ra cũng khá lắm, vẫn có thể đắc độ. Vị lão cư sĩ ấy họ Âu Dương, tám mươi mấy tuổi. Trước đây từng làm quan; sau này, chánh phủ Trung Hoa Dân Quốc dời sang Đài Loan, cụ sang Hương Cảng ở với con gái. Con gái chẳng hiếu thuận, cụ chẳng mong nhờ cậy được gì, chỉ đành niệm Phật, chỉ đành cầu Phật, phải tự mình lo toan mọi điều trong cuộc sống. Lúc cụ sắp Vãng Sanh, cụ nói với Pháp Sư Sướng Hoài, tức là lúc cụ mượn Đại Tạng Kinh về xem, có nói cụ sắp ra đi, đem kỳ hạn nói với Sư: Ngày Hai Mươi Hai tháng Chạp sẽ ra đi. Pháp Sư Sướng Hoài ghi nhớ rất rõ ràng. Lúc cụ nói lời ấy là ngày mồng Một tháng Chạp, tức là đã nói với Sư ba tuần trước khi Vãng Sanh, bảo Sư ngày Hai Mươi Hai sai người đến nhà cụ lấy Đại Tạng Kinh về, vì cụ chẳng thể đem trả được, cụ phải ra đi. Pháp Sư Sướng Hoài nghe nói vậy, sửng sốt, “Đi” là Vãng Sanh ư? Coi bộ không giống, chẳng tin được, thôi kệ như thế nào đi nữa, cứ ghi ngày giờ lên phiếu ghi nhớ, tới hôm Hai Mươi Hai, sai người đến nhà cụ lấy Kinh về là được rồi!
Tới hôm ấy, Sư sai người đến lấy Kinh về. Người ấy đến nhà cụ, lão tiên sinh còn đang xem Kinh. Thấy nhân viên từ Đồ Thư Quán đến, cụ hỏi anh ta: “Cháu đến làm gì?” Anh ta thưa: “Chẳng phải là lão nhân gia bảo hôm nay đến lấy Kinh về đó sao?” Lão nhân gia bảo: “Đúng thế, tôi bảo anh hôm nay đến lấy, chứ đâu có bảo anh đến trong lúc này, tôi vẫn còn đang xem mà!” Người trẻ tuổi đương nhiên cũng chẳng muốn đôi co với cụ già, cũng tôn trọng cụ, quay về. Hai hôm sau, đến nhà cụ, người nhà cho biết: “Lão tiên sinh đã Vãng Sanh”. Anh ta hỏi: “Khi nào?” “Hai tiếng đồng hồ sau khi anh trở về”. Anh ta hỏi: “Cụ mất như thế nào?” “Ngay trong lúc đang ngồi bó gối xem Kinh”. Đi như vậy đó. Tiêu sái, thật sự tự tại! Khi Pháp Sư Sướng Hoài tới đó thấy vậy, chẳng nói năng gì, trở về nhà niệm Phật.
Thiên Thai Tinh Xá của Pháp Sư Sướng Hoài, đại điện thờ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, hai bên là Tôn Giả Ca Diếp và A Nan, bình thường Sư luôn niệm Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, chẳng niệm A Di Đà Phật. Tôi đến thăm tinh xá của Sư, Sư dùng một bức hình Tây Phương Tam Thánh do chúng ta in, lấy băng keo trong dán lên lồng kiếng của tượng Phật. Sư nói: “Nay tôi tin tưởng, nhưng nhất thời không tìm được tượng Phật, xảy ra chuyện mới ôm chân Phật, niệm A Di Đà Phật”, chuyện này là thật, chẳng giả. Do vậy, Sư nói vị lão tiên sinh ấy đã độ Sư! Sư bảo: “Vị lão tiên sinh ấy nhất định là Bồ Tát hóa thân đến độ tôi. Nếu chẳng làm cho tôi đích thân trông thấy, tôi vẫn chẳng niệm A Di Đà Phật”. Chuyện này là chuyện thật! Có lần tôi ở Tân Gia Ba, ở Tân Gia Ba cũng có một bà cụ biết trước lúc Vãng Sanh. Vì thế, trong thời đại hiện tại, chúng ta thấy các trường hợp niệm Phật Vãng Sanh vẫn nhiều dường ấy. Hơn nữa, lại có nhiều trường hợp Vãng Sanh tướng lành hết sức tốt đẹp, quá nửa là những kẻ chẳng biết chữ! Bà cụ làng Tướng Quân ở Đài Nam chỉ niệm Phật ba năm, bèn biết trước lúc mất, đứng mất.
Các vị hãy nghĩ xem, pháp môn nào thù thắng như vậy? Người ta không biết bí mật trong một câu Phật hiệu này, bí mật ấy chính là Thỉ Giác hợp với Bổn Giác, tâm năng niệm là Thỉ Giác, Phật hiệu được niệm là Bổn Giác; Thỉ Giác và Bổn Giác chẳng hai, Thỉ Giác và Bổn Giác tương ứng. Do vậy, công Đức của niệm Phật không chỉ có thể chế phục Kiến Tư phiền não, mà đồng thời còn có thể phá Trần Sa và Vô Minh. Thông thường, tu hành phá phiền não, đoạn Kiến Tư trước, rồi mới đoạn Trần Sa, rồi lại phá Vô Minh, theo thứ tự; còn niệm Phật là cùng một lúc. Câu danh hiệu này có sức mạnh ấy, có công Đức ấy. Vì thế, Vãng Sanh sẽ viên chứng ba món Bất Thoái. Nếu quý vị không thật sự hiểu thấu triệt, rõ ràng đạo lý này, thật sự chẳng tin, nói theo phương diện Giáo lý sẽ chẳng suông! Thật ra, những kẻ nói theo Giáo lý chẳng thể thông suốt, thì nói thật ra là do chưa thấu triệt Giáo lý; nếu thật sự thấu triệt, lẽ đâu nói chẳng suông? Tây Phương Cực Lạc Thế Giới đã có Sự này, đương nhiên sẽ có đạo lý. Có Lý nhất định có Sự, có Sự nhất định có Lý, quý vị đều hiểu rõ ràng, sẽ chẳng hoài nghi, mới hiểu niệm Phật thù thắng, niệm Phật chẳng thể nghĩ bàn!
Do vậy, chúng ta phải học Kinh, học Kinh gì? Kinh Di Đà, Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, ba Kinh là đủ rồi, chớ nên học những Kinh khác nữa. Học những thứ khác, nói thật thà là xen tạp, thật sự chẳng cần phải học! Ba bộ Kinh ấy có thể nói là tinh hoa của hết thảy các pháp môn do mười phương ba đời hết thảy chư Phật đã nói. Kinh Pháp Hoa, Kinh Hoa Nghiêm đến cuối cùng đều quy về pháp môn Tịnh Độ. Trong Kinh Hoa Nghiêm, mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc. Cổ đại Đức nói Hoa Nghiêm và Pháp Hoa là Tự Phần của Kinh Di Đà mà thôi, Chánh Tông Phần là Kinh A Di Đà, chúng ta nên nhận biết điều này!
HT.TỊNH KHÔNG
HOAN NGHÊNH LƯU THÔNG, CÔNG ĐỨC VÔ LƯỢNG
XIN THƯỜNG NIỆM A DI ĐÀ PHẬT