Qua thư ông và bài Sanh Tây Ký đã biết cặn kẽ; như thế thì [cha ông] chắc chắn sẽ được vãng sanh. Nhưng con người khi lâm chung, điều khẩn yếu nhất là quyến thuộc cả nhà phải trợ niệm sẵn cho [người sắp mất]. Nếu gia cảnh dư dả, hãy nên thỉnh Tăng – tục, liên hữu đến trợ niệm. Niệm đến sau khi tắt hơi vẫn không động chạm tới thân thể [của người đã mất]; cứ niệm Phật như thường cho tới ba tiếng đồng hồ sau thì mới lo liệu những chuyện như tắm rửa, thay quần áo v.v… Trợ niệm như thế nhất định [người đã mất] sẽ được vãng sanh. Chớ nên thường dùng tay thăm dò nóng – lạnh. Nếu thần thức của [người chết] chưa rời khỏi [thân xác], hễ bị tay [người khác] đụng vào chắc sẽ phát sanh sân niệm, sẽ làm hỏng chuyện chẳng nhỏ nhoi đâu! Quang nói điều này để mong lúc mẹ ông lâm chung chẳng đến nỗi bị lầm lẫn như thế.
Chết rồi hỏa thiêu là tốt nhất, chỉ có điều nếu mua cái chum [để thiêu] có hình tượng Di Lặc Bồ Tát thì quả thật là khinh nhờn. Hãy nên mua cái chum có hình hoa sen, đừng mua chum có khắc hình tượng Di Lặc Bồ Tát hay tượng Phật. Lại hãy nên nói điều này với hết thảy mọi người tin Phật. Cha ông đã được vãng sanh thì hãy nên khuyên mẹ ông cũng nên ăn chay trường. Dẫu ông và vợ con chưa thể ăn chay trường thì cũng nên bớt ăn [đồ mặn]. Cần biết rằng: Họa hại chiến tranh liên tiếp trong nhiều năm qua đều do mọi người sát sanh ăn thịt cảm thành. Trong nhà vĩnh viễn cấm ngặt sát sanh thì tự nhiên hết thảy mọi chuyện đều tốt lành. Trong đám tang, phàm cúng thần, đãi khách, đều chẳng dùng rượu thịt.
Nay gởi cho ông một cuốn Tang Tế Tu Tri (những điều cần biết trong ma chay, cúng bái), một cuốn Đồng Mông Tu Tri (trẻ nhỏ nên biết), một cuốn Quán Âm Từ Lâm Tập, xin hãy đọc kỹ để nhất cử nhất động sau này đều tự được Phật, Bồ Tát gia bị, gặp dữ hóa lành, gặp nạn thành hên. Quang già rồi, mục lực lẫn tinh thần đều chẳng đủ, chỉ riêng thư từ gởi đến, gởi đi này, đã phải dùng cả hai cái kính lão lẫn kính lúp để đọc và viết. Từ nay về sau đừng nên gởi thư đến nữa, cũng đừng giới thiệu người khác quy y do mục lực chẳng thể thù tiếp được!
– Ngày Mồng Tám tháng Bảy năm Dân Quốc 27 – 1938
(Trích: Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, quyển 03, Thư trả lời cư sĩ Trương Nhân Bổn.)