HT Thích Thông Phương

Thiền bệnh – H. T. Thích Thông Phương

Ăn chay mang đến vẻ đẹp từ bi thánh thiện
Thiền vốn không bệnh, có bệnh sao gọi là thiền? Tuy nhiên, do người thực hành công phu nghiêng lệch, tâm vội vàng hấp tấp không thể nhận sâu lý thật, được ít cho là đủ, tạo cơ hội cho tính chấp ngã được nuôi dưỡng sống còn nên trở thành bệnh hoạn trên đường tu, nếu không kịp thời tỉnh giác thì nhân quả sẽ đến khó lường trước được!
Bởi lý thiền quá gần gũi, xác thật, người nhận ra chỉ trong chớp mắt nhưng sống được trong ấy hẳn không phải một ngày, hai ngày là xong. Người mới thấy dễ lầm Phật nhân thành Phật quả.
Thiền lại chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật, lấy tự tin làm gốc, nên người không khéo nhận dễ thành kiêu mạn, cho TA là trên hết. Trong đây chỉ nêu một ít bệnh thường gặp, thường có để giúp cho người thực hành ngừa tránh, không rơi vào lối tẻ, đường ma mà thành tựu sức sống trọn vẹn.
BỆNH CHẤP LÝ BỎ SỰ, NGHIÊNG LỆCH MỘT BÊN
Người học thiền hấp tấp cứ nghĩ thiền là vượt ngoài đối đãi, không tu không chứng, vốn không có một pháp thật cho người thì có gì để làm, để học? Do đó, thấy người ngồi thiền thì chê là chấp tướng, thấy kẻ lễ Phật thì cười là hình thức, thấy kẻ nghe giảng thì bảo là mê chữ nghĩa v.v… trái lại tự mình sống buông thả như người tầm thường không tu, cho đó là TA đạt thiền. Đây là bệnh nghêng lệch bên lý, thiếu sức sống thật.
Hãy xem Lục Tổ gạn hỏi Hoài Nhượng:
– Có tu chứng chăng?
Hoài Nhượng thưa:
– Tu chứng tức chẳng không, nhiễm ô chẳng thể được.
Với chỗ thấy của ngài Hoài Nhượng thì không hoàn toàn bác bỏ tu chứng, đã biết chỗ rốt ráo đó vốn không một vật gì có thể so sánh nhưng phải công phu thực hành sâu xa mới chứng nghiệm được, đâu phải để tự nhiên mà biết. Song tuy nói tu chứng nhưng thực ra nó vốn chưa từng có gì nhiễm ô được nên cũng không có chỗ để tu, để chứng, để được gì thêm nữa. Đây, chính là người có công phu thực sự mới nói lên được rõ ràng như thế. Nếu người kẹt trên lý suông thì khi bị gạn hỏi như thế hẳn sẽ đáp: “Không có tu chứng” vì không có một vật gì có thể so sánh thì tu chứng cái gì? Tuy nhiên với người có chỗ sống chân thật, nghe nói thế liền biết ngay, người này chỉ thấy một bên lý, chưa có sức sống thật sự. Người tu thiền chân chánh cần xét kỹ điểm này, chớ để nhân lành thành quả dữ!
BỆNH TRI GIẢI – THIỀN NÓI
Hòa thượng phù Sơn Pháp Diễn nói với Đạo Ngô Chân rằng: “Người học đạo chưa đến nơi đến chốn, tự khoe thấy nghe, đuổi theo hiểu biết, dùng miệng lưỡi để hơn thua nhau, khác nào nhà xí bồi đồ nhơ nhớp chỉ làm tăng thêm mùi hôi thối mà thôi.”
Đây là, cứ lo hơn thua trên cái miệng, đề cao cái Hiểu Biết của mình mà quên mất công phu thực tu, thực chứng. Đó là bệnh NÓI THIỀN, cần phải tránh!
( Trích trong “THIỀN BỆNH” – H. T. Thích Thông Phương giảng giải ) – www.thuongchieu.net
Được gắn thẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *