Muốn được hộ trì thì ta phải hành trì, nhờ hành trì nên mới được hộ trì. Hỏi tôi có tin cầu an cầu siêu hay không, tôi nói 50:50. Với kẻ nào có hành trì thì chuyện tụng kinh có tác dụng, Tam bảo và chư thiên có hộ trì. Đức Phật đã Niết bàn rồi, hộ trì ở đây là như thế nào? Hộ trì là khi mình nghĩ đến Đức Phật lòng mình tùy hỷ công đức của Ngài. Sự tùy hỷ có hai tác dụng hộ trì rất lớn:
1. Tâm tùy hỷ là một yếu tố tâm lý lành mạnh, hỗ trợ cho sức khỏe của ta.
2. Tác dụng thứ hai của tâm tùy hỷ là công đức, công đức nhiều thì ta được chính nó hộ trì.
Tức là khi mình bị cái gì mà niệm tưởng đến Đức Phật là mình tùy hỷ Ba-la-mật mà Ngài đã tu trong vô số kiếp sống. Khi tùy hỷ với Ngài: Ngài đã làm những chuyện khó làm, cho những cái khó cho, Ngài đã học, đã hiểu những cái khó hiểu khó học… chuyện mình hoan hỉ như vậy là yếu tố tâm lý rất quan trọng. Tâm lý của mình được ổn định, được an lạc thì mình có thể vững bước trên cuộc đời đầy đau thương này. Bản thân sự tùy hỷ là công đức, và chính công đức đó hỗ trì ngược lại cho mình. Chớ không thể là réo tên vị nào đó, miệng thì niệm mà lòng trôi dạt vào phương nào. Tây có câu: “Cầu nguyện không phải để thoát nạn mà là để bình tĩnh lúc lâm nạn”. Các chuyên gia cứu nạn của thế giới đều nhìn nhận trong các tai nạn, kẻ bình tĩnh có cơ hội sống sót cao hơn người sợ hãi.
Sư Giác Nguyên (giảng)
Tôn Ảnh: Ngài Hộ Pháp