Đạo Phật

Đề phòng tâm đố kỵ bằng cách nào?

Đề phòng tâm đố kỵ bằng cách nào?
“Chúng ta phải đề phòng tâm đố kỵ đừng để khởi phát. Nhưng đề phòng tâm đố kỵ bằng cách nào? Trong phạm vi gần: Đối với những huynh đệ cùng lớp, cùng trường và nhất là cùng trình độ với nhau, lúc nào chúng ta cũng chân thành cầu mong huynh đệ hơn mình. Nếu lỡ học kém, chúng ta cũng cầu mong cho huynh đệ mãi mãi hơn mình. Như thế, chúng ta sẽ có phước và dần dần sẽ học giỏi hơn. Nếu lúc nào cũng muốn hơn người, chúng ta sẽ ngày càng kém sút.
Khi thấy huynh đệ được nhiều người mến, chúng ta đừng phủ nhận mà phải tìm thấy ưu điểm nào đã khiến họ được như vậy. Có thể họ có phước gì đó trong quá khứ và ưu điểm gì đó trong hiện tại. Tìm những ưu điểm của bạn để chúng ta học hỏi, tuyệt đối không được chê bai, dè bỉu. Trường hợp huynh đệ mình có uy tín, được người lớn giao nhiệm vụ (trông coi hương đăng, tiếp khách, tri sự, quản chúng…), chúng ta phải tận tình phụ giúp để huynh đệ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chúng ta đừng vì ganh ghét mà lén lút phá đám. Sau một thời gian tu hành, thấy huynh đệ mình tu tiến, ngồi Thiền được lâu, thuyết giảng hay,… chúng ta phải hoan hỷ và thật lòng kính trọng. Vì người có trí tuệ, định lực tăng tiến cũng chính là thầy mình. Đối với những huynh đệ kém hơn, chúng ta phải tận tình chỉ dạy, không giấu giếm để huynh đệ vượt lên. Thâm tâm chúng ta phải lúc nào cũng mong cho huynh đệ tốt hơn mình.
Nếu thấy huynh đệ nào chữ viết còn xấu, chúng ta chỉ họ cách rèn từng chữ để dần dần chữ viết được đẹp hơn. Hoặc thấy huynh đệ viết câu văn chưa chuẩn, chưa suôn, chấm câu còn tùy tiện,… chúng ta phải hướng dẫn huynh đệ nắm lại những quy tắc ngữ pháp cơ bản,… Nói chung, chúng ta luôn tận tình chỉ dạy cho huynh đệ mình tiến lên. Ở phạm vi xa, lúc trưởng thành làm việc lớn. Đây là lúc tâm đố kỵ dễ có điều kiện khởi phát nhất. Vì lúc này, mối quan hệ của chúng ta rộng rãi hơn, quyền lợi cũng nhiều hơn. Bởi vậy, chúng ta càng đề phòng tâm đố kỵ cẩn thận hơn. Khi nghe có giảng sư nào thuyết pháp hay, được nhiều người hâm mộ, chúng ta phải chân thành tìm thấy ưu điểm của vị đó để tán thán, học hỏi. Có khi, giữa chúng ta và người ấy không đồng quan điểm nhưng nếu họ được nhiều người hâm mộ, khen ngợi, tán thán, chúng ta cũng phải tìm hiểu nguyên nhân và chân thành học hỏi. Trước những ưu điểm của người, chúng ta phải đảnh lễ, kính trọng. Có như vậy, tâm đố kỵ mới bị tiêu trừ và chúng ta mới có thể tiến bộ.
Đối với những vị tu có kết quả tâm linh, chúng ta phải chân thành kính trọng. Vì đó chính là những vị Thánh của cuộc đời, là chỗ dựa cho chúng sinh. Làm một giảng sư hay không bằng những người đắc định, ngộ đạo thật sự trong tâm. Họ mới thật sự là chỗ dựa của chúng sinh. Có thể người đó nhỏ tuổi hơn chúng ta, tu sau chúng ta nhưng nếu họ đạt được kết quả tâm linh thì tận trong thâm tâm, chúng ta phải xem họ là thầy mình và thật lòng kính trọng, không được khởi tâm đố kỵ. Nếu gửi đến các bậc Thánh lòng kính trọng, sau này chúng ta cũng sẽ đạt được nhiều điều tốt lành”.
Trích bài “Đố kỵ”, bộ sách “Tâm lý Đạo Đức” – Thượng tọa Thích Chân Quang.
Nguồn Trang THIỀN TÔN PHẬT QUANG
Được gắn thẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *