Ăn chay

Ăn chay trong ý nghĩa đối với người tu hành

Ăn chay trong ý nghĩa đối với người tu hành

Để ăn chay thì có đến cả ngàn lý do và lợi ích, từ những lợi ích về sức khỏe cho tới những tác động tới môi trường và cộng đồng. Ăn chay đối với người tu hành còn mang đến nhiều ý nghĩa khác.

Trong văn hóa Phật giáo Bắc tông thì ăn chay là điều căn bản và thiết yếu mà người Phật tử phải thực hiện. Thế nhưng, chúng ta có thể bắt gặp các tu sĩ ăn mặn ở những nơi tu tập theo Phật giáo Nam tông. Điều này nhiều khi gây nên sự bất đồng và bối rối cho các Phật tử trong vấn đề ăn chay, ăn mặn. Có những người ăn chay chỉ là hình thức hay do được khuyên như vậy mà không có sự hiểu biết rõ ràng về ý nghĩa của việc ăn chay. Ăn chay với họ vì thế mà trở nên nhọc nhằn, phát sinh nhiều chướng ngại. Người ăn chay được thì cho mình tu cao, tu giỏi hơn người khác. Trái lại, có những người lại lấy lí do giới luật đức Phật đưa ra không cho phép người tu hành sát sinh chứ không bắt ăn chay để ngụy biện cho thói quen ăn mặn của mình.

Ăn là một nhu cầu cơ bản của con người. Xã hội càng phát triển thì những nhu cầu cơ bản đó lại càng được coi trọng và nâng lên tầm cỡ khác. Ăn không còn đơn thuần là để duy trì sự sống mà còn kèm theo ý nghĩa của sự hưởng thụ, thể hiện đẳng cấp. Người ta ăn theo phong trào, theo những gì xã hội thịnh hành, tìm kiếm của ngon vật lạ để thỏa mãn sự tò mò nơi cửa miệng. Quá trình đó luôn song hành cùng những lần ngã xuống của bao sinh mạng vô tội và sự thăng hoa nơi cái tôi vô tâm, vị kỷ bên trong mỗi người.

Có thể nhiều khi chúng ta vô tư đến nỗi không biết rằng một món ăn ngon chứa đựng trong đó nỗi sợ hãi, đau đớn cùng sự căm phẫn tột cùng của các con vật; là sự vô cảm đến lạnh người trước ánh mắt van lơn mà các vị đồ tể dành cho những sinh linh bất lực dưới chiếc dao mổ. Chúng ta hiếm khi để ý đến điều đó nhưng không có nghĩa rằng nó không tồn tại hay không liên hệ gì tới bản thân chúng ta. Có thể thưởng thức các món ăn một cách ngon lành có khác nào ta đang vui vẻ trên nỗi đau của những con vật. Và một sự thật nữa mà ta cũng không thể phủ định, đó là nếu chúng ta nuôi dưỡng cơ thể bằng những ô trược thì cả thân và tâm ta cũng dần trở nên ô trược và nặng nề. Sự ô trược nằm trong thân xác động vật, nơi bản năng và tính hoang dã ngấm sâu vào từng mạch máu, thớ thịt. Những vấn nạn trong quá trình chăn nuôi công nghiệp, đặc biệt là độc tố phát sinh trong cơ thể con vật trước khi bị giết chết, liệu có thể cung cấp cho con người những thực phẩm được coi là sạch, an toàn và tốt cho sức khỏe?

Là một người tu hành thì những điều trên đều phải thấu rõ. Tu hành chính là thực hành việc tu sửa thân tâm để đạt tới sự giải thoát, giác ngộ. Giải thoát là thoát khỏi những ràng buộc, vướng mắc, những khổ đau phát sinh trong tâm mình. Vậy ta có thể thoát khổ nếu cái tôi và sự ngã mạn của mình ngày một lớn? Khổ đau có thể chấm dứt nhờ sự vui vẻ có được trên khổ đau của người khác, các sinh vật khác? Hẳn nhiên, bạn đã tự có câu trả lời cho mình.

Ăn chay là lối ăn uống đơn giản, đưa con người ta trở về với mục đích cơ bản của việc ăn uống. Ăn chỉ là ăn, là để duy trì cuộc sống, mà nhờ đó, ta có đủ sức khỏe và trí tuệ để tiếp tục công cuộc tu sửa thân tâm mình. Bản thân việc ăn chay cũng là một phương tiện để người ta tu sửa.

Trước tiên là giảm bớt lòng tham, sự ham muốn trong ăn uống nói chung. Ham ăn, yêu thích và bị cuốn hút bởi những món ăn ngon là điều rất dễ bắt gặp trong đời sống hàng ngày ở nhiều người. Đã là đam mê, ham thích thì làm sao giữ cho tâm được thảnh thơi, thong dong, không vướng bận cho được? Giải thoát làm sao có? Một lối ăn uống đơn giản, chặt đứt đầu dây mối nhợ của một loại tham đắm, hay chí ít là không để nó có cơ hội trỗi dậy và từ từ biến mất theo thời gian, thì người tu có nên thực hiện?

Ý nghĩa sâu xa hơn của việc ăn chay chính là để giảm bớt phần nào bản ngã của con người. Như đã đề cập ở trên, việc ăn uống hiện nay còn kèm theo cả sự thể hiện bản thân, chứng minh sự thời thượng của con người ta trong xã hội. Người tu cần phải ăn chay để tách mình ra khỏi những điều đó. Cái tôi càng lớn thì tâm càng bất an, bởi nó luôn đòi hỏi mình phải hơn người, khác người, mình là nhất, là số một. Nếu cứ rong ruổi mà chạy theo thỏa mãn cái tôi thì tâm ta làm sao ngơi nghỉ, yên bình?! Ăn chay chính là cách để người tu giảm thiểu sự ngã mạn, bớt đi cơ hội thể hiện mình với đời, quay về với sự giản đơn, khiêm nhường, với ý nghĩa ban sơ của việc ăn uống.

Ăn chay với người tu hành còn mang ý nghĩa của việc nuôi dưỡng hạt giống yêu thương và từ bi. Điều đó xuất phát từ sự cảm thông và thấu hiểu nỗi đau cùng sự sợ hãi nơi những con vật phải từ bỏ mạng sống để phục vụ bữa ăn cho loài người. ‘Có hiểu mới có thương’, có thương thì tim ta mới trở nên ấm áp và dần phát triển những ý nghĩ, hành động thiện lành. Ăn chay cũng đồng nghĩa với việc ta hạn chế việc sát sinh cả ở mình và ở nơi người khác. Không có sát sinh thì những mầm mống tàn bạo, độc ác trong tâm ta đâu có cơ hội trỗi dậy. Từ bỏ điều ác, chưa thiện để làm những điều thiện, điều tốt đẹp chẳng phải là ý nghĩa của sự tu hành đó sao? Chỉ là việc ăn uống thôi nhưng nó lại ngầm dẫn dắt ta tiến bước trên hành trình thực tập việc tu dưỡng đạo đức, hoàn thiện bản thân, giúp tâm mình trở nên an yên, tự tại hơn. Đó là lí do vì sao người tu nên ăn chay và nhận thức theo đúng ý nghĩa thực sự của việc ăn chay.

Chẳng cần những nghiên cứu dày công của giới khoa học, những người ăn chay một thời gian sẽ tự nhận thấy những biến chuyển tích cực nơi mình. Cơ thể nhẹ nhõm hơn. Tâm trạng cũng trở nên thoải mái, tích cực. Ấy là bởi ta không nạp thêm vào mình những loại thức ăn ô trược, nặng nề. Và nhờ đó, ta tạo ra thêm an lạc và hạnh phúc cho mình cùng người xung quanh. Đó cũng chính là điều mà người tu hành cần hướng tới nếu muốn gỡ bỏ dần những vướng mắc, khổ đau trên con đường đạt tới giải thoát.

Chap vẫn có thể kể ra đây thêm nữa những tác động tích cực của ăn chay đối với người tu hành. Song có lẽ những điều trên cũng đủ để bạn có được sự hiểu biết đúng đắn về vấn đề mà ta đang bàn tới. Ăn chay là một phương tiện, một pháp tu để người tu đạt được mục đích của mình. Biết vận dụng khéo léo, hiểu đúng ý nghĩa của việc ăn chay thì ta sẽ có những bước tiến xa hơn trong quá trình tu tập. Thế nhưng, nếu ta coi ăn chay là điều gì đó to tát, gây chướng ngại cho bản thân mình và người xung quanh, phân biệt kẻ ăn chay với người ăn mặn, nâng cao bản ngã nhờ khả năng ăn chay hay so sánh pháp tu này với pháp tu khác,… thì rõ ràng ta đã làm mất đi hết ý nghĩa của việc ăn chay trong đời sống tu hành. Đỉnh cao nhất của việc ăn uống đối với người tu chính là coi việc ăn chỉ là ăn, không có phát sinh ham muốn, mong cầu hay phân biệt, ngay cả với món mặn. Suy cho cùng, ăn chay cũng chỉ là một phương tiện để tu hành. Cũng giống như chiếc xe máy, tàu hỏa hay máy bay trên hành trình từ Nam ra Bắc, ta có thể lựa chọn một hay nhiều những phương tiện trên để thực hiện hành trình của mình, miễn là phù hợp với bản thân và có thể đưa ta tới đích. Lựa chọn thế nào là ở mỗi người và chỉ có người đó mới biết đâu mới là điều tốt nhất cho chính mình.

Chap mong rằng những chia sẻ trên có thể gỡ bỏ phần nào các băn khoăn, vướng mắc cho những ai chưa có hiểu biết thấu đáo về ý nghĩa của việc ăn chay trong đời sống người tu, người Phật tử. Đừng nên thực hiện điều gì một cách máy móc, chỉ vì người khác bảo thế, khuyên thế hay… bị dọa thế mà chưa thấu rõ ý nghĩa thực sự trong đó. Tu tập một cách tỉnh thức, trí tuệ, đặt sự an lạc trong tâm mình lên hàng đầu thì bất kể điều gì cũng sẽ đưa chúng ta bước đi những bước đúng đắn trên con đường đạt tới sự giải thoát.

Chap Zen – hoitho.vn

Được gắn thẻ , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *