Khi trân trọng con người, thương yêu con người, tôn trọng niềm vui của con người, tôn trọng cuộc sống của con người, chúng ta sẽ đi đến một đạo lý đầy tính nhân bản. Và để làm con người, chúng ta phải có hai tính chất, nếu thiếu một trong hai tính chất này, chúng ta không phải con người. Từ rất lâu chúng ta quên đi hai tính chất này:
Thứ nhất, làm người phải khiêm tốn, bởi vì đối với vũ trụ con người quá nhỏ bé, quá vô nghĩa.
Thứ hai, làm người phải có hoài bão lớn lao, bởi vì con người có khả năng vươn tới được sự hiểu biết mênh mông trong vũ trụ, đạt đến đức hạnh, tính chất siêu việt của các bậc Thánh bao la vô lượng vô biên như vũ trụ.
Do đó, để làm người đúng nghĩa, vừa đúng mức mà vừa không bị khinh thường, chúng ta phải khiêm tốn và phải có hoài bão lớn lao. Nếu người nào sống mà kiêu căng ngạo mạn, người đó thiếu tính chất đáng quí đầu tiên của con người. Người nào sống mà không có hoài bão lớn lao, không dám ước mơ đạt đến đức hạnh, tính chất siêu việt của các bậc Thánh, người này cũng thiếu hẳn một tính chất của con người.
Vì vậy, trong hào quang của đức Phật, trong tình thương yêu của Người, trong trí tuệ dạy dỗ dẫn dắt của Người, chúng ta phải ý thức rằng khi Người nói về hư không vô lượng vô biên, để chỉ cho chúng ta thấy thân phận nhỏ bé của mình, để chúng ta khiêm tốn. Và hơn nữa, đức Phật cũng dạy cho chúng ta một con đường để đạt đến tuyệt đối vô lượng vô biên đó. Chúng ta phải có hoài bão lớn lao để đi theo con đường đó, để làm một con người đúng nghĩa.
Trích sách: Luận Giải Kinh Kim Cang – TT. Thích Chân Quang.