Thật sự tâm chúng ta tuy vô hình, vô tướng nhưng luôn lan tỏa ra xung quanh. Do đó, khi ta gần một người có tâm lành, dù người ấy chưa nói gì, chưa làm gì, tâm ta vẫn bị ảnh hưởng. Còn khi ta ở gần một người xấu ác thì dù người đó cũng chưa làm gì, chưa nói gì, tự nhiên sự xấu ác trong lòng ta vẫn bị lây lan và lớn dậy.
Như có trường hợp, cha mẹ rất sang trọng, rất trí thức, do thời gian bận rộn nên phải giao con cho vú em. Người vú em này ở quê, chưa có ý thức về đạo đức, về sự sang trọng trong xã hội. Đứa bé được nuôi nấng, ôm ấp bởi người vú em ấy thì khi lớn lên, tâm tính không giống cha mẹ mà giống người vú em: nói sẵng giọng, quê mùa, cục mịch, thô lỗ trong khi cha mẹ đứa bé rất sang trọng, lịch sự. Chỉ bởi vì từ nhỏ tâm của người vú em kia dần chuyển sang tâm của đứa bé.
Cha mẹ đứa bé đến chùa than thở với chúng tôi: “Tụi con là những người có học thức, đối xử đàng hoàng mà sao con của chúng con lại thô lỗ?” Và được trả lời: “Vì người nuôi đứa bé là người như thế nên đứa bé bị ảnh hưởng theo”. Đứa trẻ có thể chưa hiểu người vú em nói gì nhưng từ tâm đi vào tâm, tâm ảnh hưởng đến tâm. Chính vì vậy, Tổ đã răn nhắc chúng ta phải gần gũi với bậc thiện lành để trở nên tốt hơn.
Trích sách: “Như đi trong sương” trang 17, 18 – TT. Thích Chân Quang.