Có người hôm nay rất chịu khó thì nay mai có thể chuyển qua trạng thái lười nhác, buông xuôi, không muốn làm gì cả. Nhưng cũng có trường hợp nhiều người tâm ổn định ở một phía, luôn siêng năng, tích cực, năng nổ cả một đời. Vì sao vậy? Điểm khác nhau giữa hai dạng người này ở chỗ nào? – Câu trả lời chính là ở cái gốc ích kỷ hay vị tha.
Nếu một người siêng mà chỉ siêng vì mình, nghĩa là siêng năng học hỏi, làm lụng, phấn đấu để được thăng quan tiến chức, phát tài, thì cái siêng đó đến một ngày nào, hễ có chuyện gì bất trắc xảy ra là họ chán nản, buồn bực và rơi trở lại trạng thái lười biếng, buông xuôi không muốn làm gì nữa. Còn người nào siêng năng vì người khác, như trong gia đình, mình làm vì nghĩ rằng để cho anh chị em mình đỡ nhọc nhằn; trong đại chúng, mình công quả vì để cho huynh đệ đỡ bớt vất vả; trong xã hội, mình cống hiến vì mình nghĩ là để giúp đời… Nghĩa là người đó làm vì động cơ vị tha, thì cái tốt của họ, cái siêng của họ rất ổn định. Họ cứ siêng năng như vậy cả đời mà không bị rơi vào trạng thái lười biếng. Nên đây chính là cái gốc để ta phân biệt: hễ người nào dao động nhiều là bởi vì tâm ích kỷ của họ nhiều, còn người nào ổn định ở một đức tính tốt mãi, thì là do họ có động cơ đạo đức trong tâm…”
Trích sách: Sự Dao Động Của Tâm – trang 14,15