Cái gì thì có thể từ từ khoa học sẽ tìm ra dần, nhưng riêng Luật Nhân Quả – Nghiệp Báo, tức là một người làm việc ác, gây khổ chúng sinh sau này sẽ phải trả quả báo tương xứng, thì cái quy luật đó còn lâu lắm khoa học mới tìm tới. Nên ta gọi Luật Nhân Quả là điều rất xa xôi với con người là vậy.
Thì nơi cái đạo lý Luật Nhân Quả vừa hết sức gần gũi mà cũng hết sức xa xôi đó, điều may mắn là người phật tử chúng ta, ta chấp nhận, tin tưởng, và ta tìm hiểu như một mệnh đề bắt buộc phải có, không cần chứng minh, cái hay của ta là vậy.
Như một định đề không cần chứng minh là sao? Trong toán học có một phạm trù gọi là định đề, mà đã là định đề thì chỉ có chấp nhận không chứng minh, biết nó đúng nhưng không chứng minh được, chỉ chấp nhận như ta tin mà thôi. Ở đây, ta đến với đạo Phật cũng vậy, cho tới ngày mà chứng minh được Luật Nhân Quả còn rất xa. Vì thế, ngày hôm nay đối với những người đệ tử Phật chúng ta thì Luật Nhân Quả vẫn là một định đề, một chân lý không thể chứng minh được, chỉ có chấp nhận mà thôi. Cái may cho ta là ta chấp nhận được định đề này, vì đó là chân lý của vũ trụ; cũng như cái may của các nhà khoa học là chấp nhận được định đề Euclid (toán học) và từ đó dựng lên trong hệ thống khoa học mênh mông. Nếu ngay từ đầu người ta không chấp nhận định đề Euclid thì ta không có hệ thống khoa học ngày hôm nay, cái gì cũng mờ mờ, nhưng để có thể chứng minh được họ phải bắt đầu từ một định đề không chứng minh được.
Khoa học là những điều logic, hợp lý, chứng minh được trên lý thuyết và kinh nghiệm; tức là trong lý thuyết nói như vậy thì trong thực tế phải chứng minh cho ra. Ví dụ nói rằng: hai góc đối nhau trong hai đường thẳng cắt nhau thì phải bằng nhau (hai góc đối đỉnh), thì lý thuyết vậy rồi nhưng phải kẻ ra, đo đúng vậy; tức là lý thuyết đúng rồi nhưng thực nghiệm đúng, vì đó là những điều được chứng minh. Nhưng tất cả những điều được chứng minh của khoa học thì phải bắt đầu từ một định đề không chứng minh được, đó là định đề Euclid.
Đạo Phật cũng như vậy, đạo Phật là tất cả mọi điều hết sức là đạo đức, nhân bản, hợp lý, logic, tất cả đều chặt chẽ chứng minh được hết và tất cả những điều hợp lý, điều logic, điều chứng minh được, điều đạo đức lương tâm đó cũng bắt đầu từ một định đề không chứng minh được, đó là Luật Nhân Quả.
Luật Nhân Quả là sao? Là gieo nhân gì gặt quả đó trong cái thiện ác, chứ không phải là cái nhân quả bình thường. Do trong vũ trụ, trong thế giới này có nhiều loại nhân quả, trong đó có một loại nhân quả dễ thấy nhất là loại nhân quả nông nghiệp. Ví dụ gieo hạt me thì ra cây me, ra trái me – đó là nhân quả trong nông nghiệp. Rồi nhân quả trong vật lý, ví dụ khi ta đun nước tới 100oC thì nước sôi, khi ta hạ nhiệt độ xuống 0oC thì nước sẽ đóng đá; rồi khi virus xâm nhập ta thì ta sẽ ốm, v.v.. Đó là những cái nhân quả trong thế giới vật lý, trong nông nghiệp, trong y học, nhân quả trong luật pháp.
Nhưng riêng nhân quả mà đạo Phật nói là nhân quả sự báo ứng của thiện ác, nó trùm hết tất cả mọi loại nhân quả. Trong đây nó liên quan tới nỗi khổ niềm vui, tới hạnh phúc và cay đắng của con người. Nghĩa là chúng sinh trong pháp giới vũ trụ này đều bị chi phối bởi 2 cái cảm thọ: khổ và vui. Ví dụ đói thì ta khổ, no thì ta vui; không có tiền thì ta khổ, có tiền thì ta vui. Cứ vậy… và cái cảm thọ khổ – vui này chi phối kiếp người, chi phối tâm tình, cuộc sống. Nói chung chi phối hết cái động cơ sống của con người, và con người ta lúc nào cũng tránh khổ tìm vui.
Khi ta đánh vào cái khổ vui của chúng sinh thì tạo ra nhân quả báo ứng, hễ ta làm cho chúng sinh khổ thì ta mắc tội mắc nghiệp; ta gây cho chúng sinh vui, hạnh phúc thì ta được phước, đó là nhân quả thiện ác báo ứng mà Đức Phật nói, đạo Phật nói.