Nghèo là do tiêu xài phung phí những vật dụng hàng ngày như điện, nước, cơm gạo, thức ăn, quần áo… Biết tiết kiệm, sử dụng hợp lý vật dùng hàng ngày giúp khá giả hơn. Thói quen bật đèn, mở ti vi, máy lạnh, đồ dùng điện thoải mái, lãng phí là nhân của nghèo khổ.
Sự giàu có hiện tại khiến cho nhiều người tự cho mình quyền được sử dụng như thế, nhiều khi mở lên rồi để đó, không ai dùng, chắc chắn quả báo sau này sẽ nghèo. Nhiều người thường xả nước ào ào, tắm bồn, xịt rửa xe phí phạm vô cùng, trong khi nhiều nơi không có nước để uống, thì sau này phải sinh vào những nơi thiếu nước, nghèo khổ. Mỗi giọt nước lãng phí là mỗi giọt nghèo nhận lấy. Người không biết quý trọng từng hạt cơm, từng miếng thức ăn mà để thừa mứa, đổ đi là nhân của nghèo đói. Người mua cả trăm bộ quần áo nhưng không mặc hết, không mặc đến, thì đây là nghiệp của thiếu thốn, nghèo khổ.
Mọi sự phung phí vật chất đều đưa đến sự nghèo khổ, sự tiết kiệm vật dùng dù không khiến chúng ta giàu lên nhưng sẽ khá giả, sung túc. Vì vậy dùng bất cứ thứ gì đều phải hết sức cẩn thận.
Ví dụ, trong lần xét tội phước để đưa hai người một nam, một nữ đi đầu thai. Diêm Vương chỉ người nữ và nói: “Người nữ này cho đầu thai vào gia đình khá giả.” Nghe vậy vị quan hạ thần hỏi lại: “Thưa Đại vương, người nữ này kiếp trước không làm việc gì có phước thì sao có thể đầu thai vào gia đình khá giả đó được?” Diêm Vương gật đầu “Đúng, người nữ này tuy không làm được việc phước gì rõ ràng, nhưng lúc sống lại rất biết tiết kiệm, sử dụng rất đúng mọi thứ từ miếng cơm cho đến chút điện, chút nước… Nên ta thưởng cho người này cuộc sống dù không thật sự giàu sang, nhưng sẽ sung túc cả đời.” Nói đoạn, Diêm Vương quay sang người nam và bảo: “Tên này dẫn đi đầu thai vào nhà nghèo kia cho ta. Hắn không hà tiện, bỏn xẻn, trái lại rất rộng rãi nhưng là rộng rãi không có trí tuệ. Tiêu xài bừa bãi xả láng, nào điện, nào nước, nào tiền bạc. Gặp ai cũng móc tiền cho, bạ đâu cho đấy, không cân nhắc, toàn cho người tiền để đi nhậu, đi đánh bạc. Nay ta sẽ cho nó đầu thai vào nhà hai vợ chồng vừa mới chỉ cất được một cái chòi lá”.
Nhân quả giàu nghèo cụ thể đến từng chi tiết nên chúng ta phải hết sức cẩn thận. Mỗi người hãy tự xét lại mình xem còn để vòi nước chảy lênh láng hay không, còn thích bật điện sáng trưng mọi ngõ ngách cho sướng mắt hay không, còn nấu nhiều thức ăn rồi đổ đi hay không. Những nghiệp nghèo khổ đó mà còn thì phải sửa cho dứt.
Một cái nhân nghèo khổ nữa là giúp nhầm người xấu. Đừng tưởng có tiền cho người là sẽ được giàu sang. Ta cho nhầm người xấu thì sẽ mắc quả báo nghèo. Cầm đồng tiền định cho ai thì trước tiên phải cân nhắc tính toán xem người ta dùng vào việc gì. Nếu chắc chắn họ sẽ dùng đồng tiền để sống, để làm điều tốt, để tu tập, thì mình cho. Còn nếu họ có tiền rồi đi chơi game điện tử, đi đánh bài, uống rượu thì tuyệt đối không cho. Dứt khoát phải vậy!
Trích sách: Nhân quả giàu nghèo – TT. Thích Chân Quang.