Chúng ta thử hình dung trở lại hơn 2.500 năm trước tại Ấn Độ thời xưa, mình là một nông dân người Ấn, được sống cùng thời với Đức Phật. Trên đường ra đồng, mình gặp một Sa môn ôm bình bát đi ngược chiều, hào quang tỏa sáng, gương mặt cực kỳ đẹp, dáng đi trầm hùng như con voi chúa, đĩnh đạc, thong thả chân đất như ta bước trên đường làng. Vì không biết đó là Đức Phật, bậc Thầy của cả Trời – Người, nên mình vác cày đi ngang qua mà không đảnh lễ hay thậm chí cúi chào. Nhưng lỡ lúc đó mình bị vấp té, vị sa môn ấy đã đỡ mình dậy, hỏi thăm vài câu rồi mình từ giã đi tiếp ra đồng, và vị sa môn lại cất bước vào làng.
Chuyện chỉ có vậy, nhưng trong giây phút ta bị vấp té, giây phút Người đỡ ta dậy, ta chợt nhận ra từ Người một tình thương cảm bao la, rộng lớn. Tình thương ấy còn hơn cả tình mẫu tử, thật thiêng liêng, vi diệu dù trong đời ta chưa một lần gặp gỡ. Tình thương của Người, lòng từ bi của Người là sự phủ trùm đến vô tận, vô biên. Mỗi khi chúng sinh gặp tai ương, đau khổ, lòng từ bi ấy sẽ lan tỏa tràn ngập, đầy ắp, bao trùm cả hư không pháp giới. Chúng ta chỉ có thể tưởng tượng, chỉ có thể hình dung, vì tình thương ấy hết sức vĩ đại không ngôn từ nào tả xiết.
Trích sách “Lòng tôn kính Phật vô biên” – TT. Thích Chân Quang.