“Thượng tọa nhắc nhở thính chúng mỗi ngày phải huân tập lòng kính Phật bằng việc lễ bái. Cứ vậy mà tình cảm thương kính Phật lại tăng lên dần dần. Cho đến ngày lòng kính Phật bùng vỡ đến độ tuyệt đối thì ta chứng quả Tu Đà Hoàn, bước qua một cuộc đời khác. Cuộc đời mới này không phải là lý thuyết mà là sự chứng nghiệm nội tâm sâu xa. Tâm hồn thay đổi, nhân cách thay đổi, công đức thay đổi, vị thế, đẳng cấp trong vũ trụ này cũng đổi thay.
Công đức đầu tiên, động lực đầu tiên để ta tu hành sửa sai đó là lòng tôn kính Phật. Động lực thứ hai là tâm từ bi thương yêu chúng sinh. Nhưng thương yêu không phải là lời nói suông, cũng không phải là ngồi một chỗ chỉ thương là đủ. Mà thương chúng sinh phải thể hiện bằng ước muốn mong cho chúng sinh đừng phạm lỗi, đều biết tu hành hướng thiện, mong ai cũng bước vào con đường của Như Lai…
Ta giúp nhau bằng lời nói, bằng một cuốn sách, bằng sự giúp đỡ vật chất rồi khuyên bảo, kèm cặp, hướng dẫn nhau cùng tu hành. Gặp ai trong cuộc sống này ta đều cố gắng gieo duyên giáo hóa, giúp nhau vượt qua lỗi lầm.
Đặc biệt, Thiền là phương pháp tuyệt vời giúp ta thấy lỗi. Bởi vì nếu tâm ta là khu rừng rậm rạp với vọng tưởng chập chùng giăng lối thì Thiền chính là lưỡi gươm dẹp hết lau sậy gai góc vọng tưởng. Khi đó khu rừng tâm trở nên quang minh sáng tỏ, những lầm lỗi hiện bày rõ ràng, không bị vọng tưởng che mất nữa. Ta thấy lỗi mình rất rõ, kể cả những lỗi vi tế.
Vì vậy, Thiền có công năng rất lớn trong việc sửa sai, hướng thiện”.