Trong tương lai, Đức Bồ Tát Di Lặc sẽ hạ sinh trong gia tộc của một phụ quốc đại thần, thân mẫu là Đức Bà Tịnh Diệu, thân phụ là Quốc Sư Thiện Tịnh, một bậc trí tuệ và đức hạnh. Từ nhân duyên giáo hóa trong vô lượng kiếp, cõi nước của Ngài khi đó chúng dân rất mực hiền lành, không còn chiến tranh thù hận, đời sống phồn thịnh, hưởng hạnh phúc như cõi trời.
Ngày đản sinh, Ngài sẽ bước ra từ nơi hông phải của thân mẫu, đầy đủ ba mươi hai tướng Đại Nhân và tám mươi vẻ đẹp, chói ngời như vầng mặt trời chiếu sáng cùng khắp mười phương. Khi lớn lên, Ngài là bậc trí tuệ xuất chúng và được chúng sinh kính ngưỡng với lòng từ bi vô hạn. Thế nhưng, Đức Bồ Tát luôn khắc khoải về nỗi khổ của kiếp người; về sinh, già, bệnh, chết; về trầm luân sinh tử, vì thế Ngài sẽ sớm xả ly thế tục, xuất gia tìm đạo giải thoát.
Dưới cội cây Long Hoa, Bồ Tát Di Lặc ngồi kiết già nhập Đại Định, đắc thành đạo quả Vô Thượng Bồ Đề. Tương truyền rằng, Đức Di Lặc Như Lai sẽ đến núi Kê Túc, nơi bậc Thượng Thủ Đại Ca Diếp đang trụ thế, nhận lấy tấm y Ca Sa của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và tiếp nối sự nghiệp truyền thừa Chánh Pháp của mười phương, ba đời chư Phật.
Ngài sẽ thuyết Pháp tại giảng đường Hoa Lâm dưới tán cây Long Hoa. Hội thứ nhất độ được chín mươi sáu ức vị chứng đắc Thánh quả A La Hán, hội thứ hai độ chín mươi bốn ức vị chứng thành A La Hán, hội thứ ba độ chín mươi hai ức vị đắc A La Hán. Thế nên gọi là “Long Hoa Tam Hội”. Đức Di Lặc Như Lai sẽ trụ thế rất lâu và hóa độ được vô lượng trời, người, chúng sinh trong khắp pháp giới.
(Trích “Thánh độ mệnh – Bồ Tát Di Lặc”)