Trong nhà Thiền có câu chuyện thế này:
Một vị cư sĩ đến nghe pháp trong hội của tổ Bách Trượng. Sau khi giảng xong hội chúng lui ra hết, vị cư sĩ ấy nấn ná thêm như muốn thưa với Tổ việc gì. Thấy thế Tổ hỏi:
– Sao ông chưa lui?
Cư sĩ đáp:
– Bạch Hòa thượng! Con có chút duyên sự, xin được thưa với Ngài.
– Ông nói đi.
– Con không phải người thường, con là chồn ở sau núi này. Ngày xưa con là vị tăng cũng giảng giải Phật pháp, hướng dẫn mọi người tu hành. Nhân trả lời câu hỏi: “Người đại tu hành có rơi vào nhân quả không?” Con trả lời “không”, nên bị rơi vào kiếp chồn tới nay đã 500 kiếp rồi. Hôm nay thỉnh Hòa thượng vì con đáp lại câu hỏi kia, mong giải tỏa oan nghiệt này.
Hòa thượng bảo:
– Ngươi lặp lại câu hỏi ấy đi.
– Người đại tu hành có rơi vào nhân quả không?
– Không lầm nhân quả.
Chúng ta lấy chỗ này làm chừng mực để hiểu Phật pháp. Nói không rơi vào nhân quả, tức là phủ nhận nhân quả. Nói không lầm nhân quả, tức là không phỉ báng nhân quả. Nhân quả là một sự vận hành tất yếu như vậy. Có nhân thì có quả. Nhân xấu thì quả xấu, nhân tốt thì quả tốt. Nói không lầm nhân quả, tức là không bị nghiệp xấu kéo lôi gây tạo nhân xấu. Chúng ta chủ động trong việc nhân quả, không để nghiệp lực chỉ đạo làm điều sai quấy. Một khi làm chủ được nghiệp thì sẽ chấm dứt được các nghiệp tập, cứu cánh thành Phật. Nhưng với người tu hành, dù đã nhiều năm công phu mà chưa làm chủ được mình, vẫn phải trả quả. Không thể nói tu rồi không trả quả, nhất là những quả xấu đã gây tạo từ trước chưa giải quyết xong, bây giờ phải trả hết. Cho nên, Tổ nói: “Người đại tu hành không lầm nhân quả” rất hay, rất thấu đáo. Nhờ câu nói này mà vị cư sĩ kia giải hết các nghi, thoát khỏi thân chồn.
Đây là mức để thẩm định công phu của mỗi hành giả. Huynh đệ chúng ta đã nghe Hòa thượng dạy nhiều rồi, bây giờ chỉ còn việc kiểm xem mình có bị sự vận hành của nhân quả cuốn hút không? Nếu ta còn bị các sự duyên chung quanh cuốn hút thì biết rằng còn đi trong vòng nhân quả. Bao giờ chúng ta chủ động được thì không lầm nhân quả. Chỉ vậy thôi. Người tu thiền có thể lấy đây làm chuẩn mực tu tập. Không luận lão tham hay sơ tham, đối với các hiện tượng, chúng ta chủ động được thì không lầm nhân quả.
Chúng ta biết tu rồi lo tu, phải ráng mà tu. Tu là gì? Là sửa. Như mình thường bị cuốn hút theo các duyên, bây giờ dừng lại không để nó cuốn hút nữa. Muốn được như thế mình phải có lực. Thử tưởng tượng chúng ta rơi vào một dòng xoáy, nếu mình yếu sức thì sẽ bị dòng xoáy này cuốn phăng đi. Với người đủ sức mạnh họ đứng vững an nhiên, không sợ sức hút của dòng xoáy. Trong công phu tu hành cũng thế, đối với tất cả hiện tượng, ai bị xoay chuyển là người không có lực dụng, không có công phu, ai không bị kéo đi là người có sức mạnh, có công phu nên vững vàng chủ động trước mọi hoàn cảnh. Đó là thành quả trong công phu tu hành. Chúng ta kiểm nghiệm lại, thấy còn yếu thì phải lo tu, không thể chần chờ hay lơ là qua ngày.
Như nghe một lời trái tai mạ nhục mình, chúng ta có chủ động được không hay là bị xoáy? Có những việc lớn mình chuẩn bị trước, tạm thời chủ động được nhưng những việc nhỏ cuốn trôi hồi nào không hay. Tới chừng giật mình tỉnh ra thì trễ rồi, nó cuốn đi khá xa. Chúng ta tự kiểm nghiệm ngay chỗ đó sẽ biết năng lực tu hành của mình thế nào. Nếu tự chủ được, đảm bảo ngày cuối cùng không bị nghiệp lực câu thúc dẫn đi, nếu chủ động không được, đành phải để cho nó nắm mũi lôi đi.
Trích “BIẾT LO TU”
Hòa Thượng Thích Nhật Quang