Kinh Pháp Hoa được coi là cốt lõi của đạo Phật và Đức Phật dạy rằng nơi nào có người trì tụng Pháp Hoa, nơi đó được an lành phát triển, nơi đó có Đức Phật ra đời, thuyết pháp, Niết bàn. Nơi có người trì kinh Pháp Hoa và hành trì kinh này dưới hình thức nào là điều chúng ta phải suy nghĩ, cân nhắc cho đúng pháp. Chắc chắn không phải đơn giản là thỉnh kinh Pháp Hoa ở nhà sách. Kinh Pháp Hoa mà Phật muốn nói là tinh thần Pháp Hoa, tức sự kết hợp tri thức và đạo đức tiêu biểu cho Diệu Pháp và Liên Hoa. Liên hoa là hoa sen mọc từ bùn, nhưng không hôi tanh mùi bùn, mà còn tỏa hương thơm ngát. Cũng vậy, người đạo đức không còn tham sân phiền não, không còn bị người và hoàn cảnh chung quanh tác động làm ô nhiễm tâm hồn. Đức hạnh của họ làm đẹp cho cuộc đời, giải thoát cho con người.
Muốn có kinh Pháp Hoa để trì tụng phải xây dựng cho mình đạo đức thực sự. Có đạo đức thực thì lòng tham chúng ta không bộc phát được. Vì vậy, trên bước đường tu, phải dẹp bỏ lòng tham. Muốn biết có còn tham hay không, chúng ta coi những thứ chung quanh còn tác động, hấp dẫn chúng ta không và chúng ta có còn khó chịu với những gì vuột khỏi tầm tay mình không. Khi mình còn giận là biết còn tham, tham của cải, vật chất hoặc tham danh.
Gạt bỏ những tánh xấu để đạo đức lên cao là điều tất yếu phải làm. Lấy tấm gương đời mà tự soi bóng mình, người nhìn chúng ta và có thái độ về ta, căn cứ vào thái độ của người mà tự biết mình đạo đức hay không. Phật dạy người tu Pháp Hoa đến đâu và làm gì đều suy nghĩ lợi cho người mới làm, đó là hạnh xả kỷ vị tha. Vì vậy, bằng tấm lòng vị tha, khi người không cần ta làm, không cần ta tới, chúng ta không làm, không tới. Ta đến với người bằng tất cả tấm lòng vì họ, nhưng họ không chấp nhận. Chúng ta vui vẻ ra đi, không phải giận họ, vì nghĩ rằng do si mê, ta tưởng lầm họ cần, nên vui vẻ nhận lỗi về mình.
Kinh Pháp Hoa dạy chúng ta đứng trên Quả môn mà thuyết, nói cách khác, chúng ta thấy một người nào đó, trước kia không tu, họ tham lam, nghèo đói, đủ các tật xấu. Nhưng trải qua một thời gian dài tu hành, họ sửa đổi tâm tánh thành tốt đẹp, cuộc sống vật chất phát triển, tinh thần thăng hoa. Người nhìn thấy sự thay đổi tốt đẹp ấy mà phát tâm tu theo. Chính vì vậy, theo kiến giải của Pháp Hoa, tu không kết quả là đã phạm tội, nặng nhất là tội phá pháp.
Tu Pháp Hoa làm sao ít nhất người cũng thấy chúng ta tốt, không tham lam, không nổi nóng vô lý. Gặp việc đáng giận, không giận, tức không bị bên ngoài tác động, là sen không bị dính bẩn. Còn gặp chuyện không đáng cũng nổi nóng là lọt vào đường ác ma, mà tu Pháp Hoa là đọa. Có người thấy vậy nói rằng kinh Pháp Hoa chỉ dành riêng cho những bậc cao Tăng. Không phải như vậy. Thực sự thâm nhập Pháp Hoa, gặp việc đáng ham muốn, đáng buồn giận, nhưng chúng ta đã dẹp bỏ ham muốn, nên không ham, từ đó cũng không buồn. Ta sống đúng hoàn cảnh của chính mình, nhờ vậy được thanh thản và có thể đi lên từ đây.
Kinh Pháp Hoa xây dựng cho chúng ta căn bản đạo đức và từ nền tảng của đức tánh tốt, tâm hồn chúng ta trở nên trong sáng, bình ổn thì trí tuệ tự nhiên phát sanh. Phải tập trung tư tưởng, đừng để nó nghĩ lăng xăng, Phật gọi là tâm viên ý mã. Luyện tập thân đâu tâm đó, giờ nào việc đó. Luôn chú mục vào việc chúng ta làm, đó là bước đầu của người tu để đạt tâm bình ổn, từ đó nhìn vật mới chính xác được.