Tìm được an lạc tâm bằng cách buông bỏ, không để xã hội chi phối. Ai nói gì, làm gì, đừng để nó đi vào trong tâm chúng ta. Thầy thấy có hai cửa ngõ đi vào tâm mạnh nhất là mắt thấy và tai nghe.
Vì vậy, tu thiền, đầu tiên tập bế quan, dán mắt, bít tai lại, như người điếc, người đui, để không bị mọi việc của cuộc đời đi vào tâm. Thực tập pháp này một thời gian, không thấy, không nghe, mình không biết gì và lòng trống vắng, đó là tu thiền, bằng cách bế sáu giác quan, đầu tiên là ngăn chặn mắt thấy tai nghe.
Vì nghiệp nặng mà muốn thấy, nghe, biết nhiều chỉ khổ nhiều mà thôi. Tu tập, ý thức rằng nhiều kiếp, mình đã biết nhiều quá rồi, cho nên bây giờ, muốn bỏ khổ, đừng đem điều xấu bên ngoài vô lòng mình nữa. Tuy nhiên, khi bịt mắt, bịt tai để chúng ta trở thành gỗ đá, không biết gì là tu sai.
Khi bế quan, không nghe việc thế gian, nhưng nghe Phật pháp và hiểu biết cốt lõi của Phật pháp, làm như vậy là tu thiền của đạo Phật. Vì mình không nghe, không thấy để không bận tâm là bước thứ nhất, nhưng bước thứ hai, nên nghe Phật pháp và thấy được điều tốt đẹp. Riêng thầy, thực tập thiền ở bước thứ hai bằng cách nhìn tượng Phật chăm chú và nghĩ về hành trạng của Phật, không nhìn, không nghe những thứ khác.
Trên bước đường tu, chúng ta đọc tụng kinh điển Phật. Thầy biết nhiều Phật pháp nhờ suốt đời đọc kinh, không phải đọc bằng miệng, nhưng đọc bằng tâm mới quan trọng. Lúc nào tâm thầy cũng đọc kinh là thiền.
Đọc kinh bằng miệng là tu bên ngoài. Đọc kinh bằng tâm và thấy Phật bằng tâm là tu thiền, bấy giờ chúng ta nhắm mắt và bịt tai lại, nhưng tâm chúng ta vẫn đọc kinh được.
Một số Phật tử trong đạo tràng Pháp Hoa tu lâu và xin y nâu. Thầy hỏi thuộc kinh chưa. Chưa thuộc kinh là chỉ tụng bằng miệng, không tụng bằng tâm. Tụng kinh bằng tâm thì thuộc kinh lâu rồi. Thầy coi kinh một đoạn rồi xếp kinh lại và tâm thầy nhớ lại đoạn kinh đã đọc, chỗ nào quên, thì thầy coi lại, đó là đọc kinh bằng tâm. Và nhớ kinh rồi, thầy lấy kinh này để kiểm tâm mình. Thầy nhớ kinh nhiều và nhớ lâu, vì luôn giữ kinh trong tâm.
Bắt đầu tu thiền giai đoạn hai, chúng ta nhìn Phật, đọc kinh Phật, để đem hình ảnh trang nghiêm của Phật và kinh vào lòng. Và hình ảnh Phật, Bồ-tát luôn luôn đẹp, công đức các Ngài thì dễ thương, dễ kính, nên phiền não mình không sanh. Còn thấy người mà mình bực tức là nghiệp sanh. Thấy Phật, nghiệp mình không sanh, giữ Phật trong tâm lâu ngày, nghiệp tự mất. Vì vậy, thực tập thiền, lúc nào lòng cũng có Phật.
Chúng ta tụng Hồng danh sám hối thuộc lòng 80 danh hiệu Phật, từ Phật Phổ Quang đến Pháp giới Tạng thân A Di Đà Phật. Đầu tiên, chúng ta nhớ tên Phật và nhớ tên Phật được rồi, lòng chúng ta sẽ có hình ảnh Phật hiện ra, vì hình ảnh Phật luôn gắn liền với tên Phật. Và từ danh hiệu Phật, chúng ta vào thiền, quán thấy vị Phật này từ phát tâm Bồ-đề trải qua bao nhiêu kiếp hành Bồ-tát đạo, rồi thành Phật mang danh hiệu này. Thí dụ, đọc tên Phật Thích Ca gợi chúng ta nhớ đến Ngài đản sanh ở Ca Tỳ La Vệ, rồi Ngài xuất gia và thành đạo ở cội bồ-đề, thuyết pháp khắp vùng Ngũ hà ở Ấn Độ và Ngài Niết-bàn ở Câu Thi Na. Trong thiền định mới thấy được như vậy, giống như Trí Giả nói rằng Ngài thấy hội Linh Sơn chưa tan, thấy Phật Thích Ca vẫn thuyết pháp; đó là thấy Phật bằng tâm và tâm này thu nhiếp quá khứ cho đến hiện tại và cả vị lai. Chúng ta tu thiền để đạt được kết quả này, tức đem quá khứ và vị lai đặt vô hiện tại là chứng thiền.
Chúng ta cần dành thì giờ đọc kinh, sám hối, tu thiền để cắt phiền não bên ngoài, để tâm yên tĩnh, mới tiếp nhận được những pháp cao quý của Đức Phật truyền trao.
(Trích bài giảng Đọc Kinh – Sám Hối – Tu Thiền – Hòa Thượng Tôn Sư Thích Trí Quảng)