– Lúc trước khi sám hối, tôi thường không biết mình đã phạm tội gì, phạm ở đâu, phạm như thế nào và tại sao lại phạm lỗi ấy? Theo lẽ thường của lý trí, khi tôi không biết mình phạm lỗi thì lấy gì để mà sám hối? Không khéo thì lại thành ủy mị, cầu xin và mất đi cái niềm tin rằng mình đã làm điều tốt, điều đúng đắn. Cho nên, với cái suy nghĩ đó, việc sám hối luôn được xếp sau cùng các hình thức khác, như niệm phật, nghe pháp và đọc kinh. Thậm chí, còn nhiều lúc bỏ qua luôn SÁM HỐI trong việc hành trì hằng ngày.
– Cho đến khi, việc nhận ra rằng chuyện mình làm hôm nay, có thể hôm nay ĐÚNG. Nhưng nếu là vài tháng sau, nghĩ lại thì nó tự nhiên lại SAI. Và ngược lại, việc làm hôm nay có thể SAI. Nhưng vài tháng sau, kết quả của việc làm sai ấy lại đem nhiều điều tích cực bất ngờ, mà tôi không nhận ra, lúc ấy tôi tự nhiên thấy nó ĐÚNG. Cứ thế, cuộc sống có Đúng, có sai, có sai, có Đúng liên tục diễn ra như vậy. Cho nên, suy nghĩ kỹ lại, tôi thấy nó vô thường lắm. Chỉ có cái bản ngã là lúc nào cũng TỰ MÃN và LUÔN LUÔN CHO MÌNH ĐÚNG. Lúc đúng thì nó tự kiêu, lúc sai thì nó biện hộ. Cho nên, tôi quyết định dùng pháp Hồng Danh sám hối để bắt cái bản ngã ấy im lặng, lắng nghe lời sám hối và nghĩ về những gì nó đã làm. Để xem nó ứng xử như thế nào?
– Lúc trước khi sám hối, tìm mãi không thấy mình lỗi. Sau khi thành tâm sám hối, tự nhiên nhìn lại từng việc lại thấy LỖI của mình đầy ra. Mà thật kỳ lạ, nếu lỗi lầm mà người khác chỉ ra cho tôi, ít khi tôi dám thừa nhận. Nhưng nếu tự tâm của tôi thấy lỗi mình, thì việc nhận lỗi rồi sữa lỗi là điều RẤT TỰ NHIÊN. Từng lỗi lớn nhỏ, đều tuần tự mà hiện ra, rất cụ thể, việc này là việc gì, mình làm với tâm thức lúc đó như thế nào, đối tượng mình làm là ai, làm ở đâu và sau đó mình đã nghĩ gì về việc đó, những diễn tiến cứ thế hiện dần rõ ràng, từng tâm niệm, từng cảm xúc, từng ý nghĩa đều được tái hiện. Nhưng sự tái hiện lúc này được quan sát bởi tâm thức thực sự muốn sửa sai, muốn hối lỗi. Lúc này, tôi thật sự trả lời được câu hỏi ban đầu mà tôi chưa trả lời được : phạm lỗi gì, phạm với ai, phạm như thế nào? vân vân. Sự sám hối lúc này có ý nghĩa rất thực tế với tôi, bởi tôi biết chính xác mình phải hành động từ thân và tâm như thế nào? Không mơ hồ như lúc trước.
– Có lẽ, tùy theo cách hiểu, cách thực hành mà sự cảm nhận từng người là khác nhau. Nhưng cá nhân tôi, phật pháp luôn như ánh đèn chiếu rọi vào đêm tối, đến những góc khuất trong tâm hồn mà trước đây tôi không cách nào thấy được. Chỉ riêng việc thấy rõ ràng, thấy rành mạch, thấy không sai lệch những lỗi lầm của mình hằng ngày thôi, đã là một cơ hội tốt để sửa sai và phát triển bản thân mình rồi.
Nam mô pháp hoa hội thượng phật bồ tát!
Nam mô bổn sư thích ca mâu ni phật.
Trung tín!