Điều đáng buồn hơn nữa, chúng ta lại không tin mình mà lại tin ở những sức mạnh bên ngoài. Tôi thí dụ như một số cư sĩ tại gia, khi muốn cất nhà trước hết quý vị kiếm thầy xem tuổi, đoán tốt xấu. Nếu ông thầy nói năm nay sát chủ, quý vị có dám cất không? Đang lúc trong túi có tiền nhưng nghe nói năm tuổi hay năm sát chủ không dám cất, chờ tới năm tốt. Nhưng tới năm tốt thì lỡ xài hết tiền, phải làm sao đây? Như vậy chúng ta tin vào số, tin vào tuổi, tin tất cả những thứ bên ngoài mà không tin ở mình. Đó là các Phật tử, nhưng thậm chí ở trong nhà chùa có nhiều thầy sửa soạn cất chùa cũng phải coi năm tốt không, cất được không? Nếu được năm thì mới dám cất, bằng không thì thôi. Đó là quan niệm sai lầm rất lớn.
Ngày nay chúng ta đã khá giả, nhiều Phật tử cất nhà đúc bê tông, mà nếu đúc bê tông thì ở ít ra cũng năm ba chục năm, người đó bây giờ nếu đã năm sáu mươi tuổi thì có chết trong nhà đó không? Nếu chết trong nhà đó thì lựa ngày nào cũng sát chủ cả. Tôi nói ví dụ này cho quý vị thấy cụ thể rằng, sợ ngày sát chủ không dám cất nhà, vậy cất ngày nào khỏi sát chủ đây! Chỉ có cất chòi mới khỏi sát chủ, còn cất nhà đàng hoàng chắc chắn phải sát chủ thôi. Như vậy giá trị của ngày giờ có đúng hay không? Nếu ngày giờ đúng thì trên thế gian này mọi người đều giàu, đều bình yên hết. Vì có người cất nhà, họ coi ngày rất kỹ nhưng sau năm bảy năm hay năm sáu tháng họ cũng vẫn bỏ nhà chạy như thường. Như vậy coi ngày đúng hay không?
Sự việc cụ thể trước mắt như vậy mà đa số Phật tử cứ nơm nớp sợ. Như có việc phải đi xa thì sợ ngày mùng 5,14,23 nên lựa ngày lành đi. Nếu ngày lành đi được bình yên thì mấy chú ăn trộm, ăn cướp cứ lựa ngày lành làm ăn chắc phát đạt lắm phải không? Nhưng đã ăn trộm, ăn cướp thì ngày nào cũng là ngày nguy hiểm hết. Còn chúng ta làm lành, làm phước thì ngày nào cũng là ngày tốt, vì nhân tốt thì quả phải tốt; nhân ác thì quả phải ác. Như vậy chúng ta tin ngày giờ hay tin nhân quả! Ngày giờ không phải do Phật dạy mà đó là sách Nho thời xưa. Nhân quả mới là giáo lý của Phật dạy.
Chúng ta là đệ tử Phật thì phải lấy nhân quả làm căn bản tu hành, không nên lệ thuộc vào sách vở thời xưa, những tập tục cũ để lại. Nếu chúng ta theo những thứ đó là chúng ta mê tín. Mê tín tức là lòng tin u tối không sáng suốt, không phải là đệ tử Phật.
( Trích trong “ĐỨC TỰ TÍN CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ” – Sư Ông Trúc Lâm Giảng Giải )