Hiếu thuận với cha mẹ là hạnh phúc lớn nhất của đời người, là nghiệp lành lớn nhất của con người, là phúc báo mà Phật giáo khuyên nên làm nhất trên đời. Những lời Phật dạy về lòng hiếu thảo con cái giúp chúng ta hiểu thêm phần nào về công lao to lớn đó.
Lời dạy của Đức Phật về hiếu hạnh trong Kinh Nhẫn nhục
Cùng tột điều thiện không gì hơn hiếu
Cùng tột điều ác không gì hơn bất hiếu.
Lời dạy của Đức Phật về hiếu hạnh trong Kinh Pháp cú
Vui thay hiếu kính Mẹ
Vui thay hiếu kính Cha
Lời dạy của Đức Phật về hiếu hạnh trong Kinh Tứ thập nhị chương
– Người phàm thờ phụng trời đất quỷ thần, không bằng hết lòng phụng dưỡng cha mẹ, bởi cha mẹ hơn hẳn quỷ thần vậy!
Lời dạy của Đức Phật về hiếu hạnh trong Kinh Bại vong, kinh Tập (Suttapatana)
Ai với mẹ hay cha,
Già yếu, tuổi trẻ hết,
Tuy giàu không giúp đỡ,
Chính cửa vào bại vong.
Lời dạy của Đức Phật về hiếu hạnh trong Kinh Phạm võng
– Tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta. Bao nhiêu đời kiếp ta từ đó mà sanh ra, nên chúng sanh trong sáu đường là cha mẹ của ta cả.
Lời dạy của Đức Phật về hiếu hạnh trong Kinh Phân biệt
– Ta trải qua nhiều kiếp tu hành thành đạo là nhờ công ơn của cha mẹ nuôi dưỡng.
Lời dạy của Đức Phật về hiếu hạnh trong Kinh Hiền ngu
– Ta trong nhiều kiếp quá khứ, nhờ từ tâm hiếu thuận, cúng dường cha mẹ, do công đức đó, nên sinh lên các từng trời thời làm Thiên đế, xuống nhân gian thì làm Thánh vương.
Lời dạy của Đức Phật về hiếu hạnh trong Kinh Tạp Bảo Tạng
– Nếu có người muốn được vua Phạm Thiên ở trong nhà, hãy hiếu dưỡng cha mẹ, vua Phạm Thiên đã có ở trong nhà. Muốn có Đế Thích ở trong nhà, hãy hiếu dưỡng cha mẹ, Đế Thích sẵn ở trong nhà. Muốn được tất cả thiên thần ở trong nhà, chỉ cúng dường cha mẹ, tất cả thiên thần đều ở trong nhà. Cho đến muốn cúng dường Thánh Hiền và Phật, chỉ cúng dường cha mẹ, các vị Thánh Hiền và Phật đều ở trong nhà.
– Làm con đối với cha mẹ đem chút lễ mọn cúng dường thì được phước vô lượng, trái lại làm ít điều bất thiện đối với cha mẹ tội cũng vô lượng.
Lời dạy của Đức Phật về hiếu hạnh trong Kinh Tăng chi bộ, Chương Hai pháp
– Này các Tỷ-kheo, thế nào là địa vị bậc không phải Chân nhân? Người không phải Chân nhân, này các Tỷ-kheo, không biết ơn, không nhớ ơn. Ðối với những người độc ác, đây là đặc tánh của họ được biết đến, này các Tỷ-kheo, tức là không biết ơn, không nhớ ơn. Ðây hoàn toàn là địa vị kẻ không Chân nhân, này các Tỷ-kheo, tức là không biết ơn, không nhớ ơn. Còn bậc Chân nhân, này các Tỷ-kheo, là biết ơn, là nhớ ơn. Ðối với những thiện nhân, đây là đặc tánh của họ được biết đến, này các Tỷ-kheo, tức là biết ơn, nhớ ơn. Ðây hoàn toàn là địa vị bậc Chân nhân, này các Tỷ-kheo, tức là biết ơn, nhớ ơn.
Lời dạy của Đức Phật về hiếu hạnh trong Kinh Tăng nhất A-hàm
– Này các Tỳ-kheo! Có hai người mà các thầy không thể nào đền ơn cho hết được, đó là cha và mẹ. Nếu có kẻ vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ, đi xa ngàn dặm, cung phụng đủ mọi thức ăn, đồ mặc, chăn nệm và thuốc thang, thậm chí cha mẹ có tiểu tiện, đại tiện trên vai đi nữa, cũng chưa trả được ân sâu cha mẹ. Các thầy phải biết, ân cha mẹ nặng lắm, bồng bế nuôi nấng, dưỡng dục đúng lúc, làm cho ta trưởng thành. Vì thế, mà biết ân đó khó trả. Do vậy, người con hiếu thảo muốn báo đáp công ơn cha mẹ đúng Chánh pháp cần phải thực hành những việc sau đây:
- Nếu cha mẹ chưa có niềm tin, phải khuyến khích cha mẹ phát tâm tin tưởng tam bảo.
- Nếu cha mẹ xan tham, phải khuyến khích cha mẹ phát tâm bố thí.
- Nếu cha mẹ theo điều ác, phải khuyến khích cha mẹ hướng về đường thiện.
- Nếu cha mẹ theo tà kiến, phải khuyến khích cha mẹ trở về với chánh kiến.
Làm được như vậy là trả ơn cha mẹ đúng với Chánh pháp, khiến cha mẹ không những được an vui trong hiện tại, mà còn gieo phước lành trong tương lai.
– Này các thầy Tỳ-kheo! Nếu người nào biết ơn và đền ơn cho dù ở cách xa Ta ngàn dặm, nhưng Ta vẫn xem người đó như đứng hầu gần bên Ta. Còn nếu như người nào không biết ơn và đền ơn, cho dù người đó có đứng hầu gần bên Ta nhưng Ta vẫn xem họ cách xa ngàn dặm.
Lời dạy của Đức Phật về hiếu hạnh trong Kinh Trường bộ
Cung kính và vâng lời cha mẹ.
Phụng dưỡng khi cha mẹ già yếu.
Giữ gìn thanh danh truyền thống gia đình.
Bảo vệ tài sản cha mẹ để lại.
Lo tang lễ chu đáo khi cha mẹ qua đời.
Lời dạy của Đức Phật về hiếu hạnh trong Kinh Tương ưng bộ
Người nào theo thường pháp,
Nuôi dưỡng mẹ và cha,
Chính do công hạnh này,
Ðối với cha, với mẹ,
Nhờ vậy, bậc Hiền Thánh,
Trong đời này tán thán,
Sau khi chết, được sanh,
Hưởng an lạc, chư Thiên.
– Vô thỉ là luân hồi. Này các Tỳ-kheo, không dễ gì tìm được một chúng sanh trong một thời gian dài này lại không một lần nào làm mẹ, làm cha.
– Này các Tỳ-kheo, những chúng sanh hiếu kính với cha mẹ thì quá ít, như đất trên đầu ngón tay của Ta, còn những chúng sanh không hiếu kính với cha mẹ lại quá nhiều như đất trên địa cầu.
– Này các Tỳ-kheo, sữa mẹ mà các Thầy thọ nhận nơi người mẹ từ vô lượng kiếp đến nay còn nhiều hơn nước của đại dương. Quý Thầy nên biết sữa của người mẹ là những giọt máu kết tinh thành những dòng sữa ngọt truyền đạt qua cho con, mỗi ngày đứa con bụ bẫm lớn lên đã rút tỉa tàn phá thân hình của người mẹ khô gầy héo mòn, chết sớm cũng vì con.
Lời dạy của Đức Phật về hiếu hạnh trong Kinh Tâm Địa Quán
– Thiện-nam-tử! Cha có ‘từ-ân’, mẹ có ‘bi-ân’. Bi-ân của mẹ, nếu Ta ở đời trong một kiếp để nói về ơn ấy cũng không thể hết được.
– Thế-gian, núi non là cao, ơn bi-mẫu còn cao hơn thế; cao hơn cả núi Tu-di. Thế-gian cõi đất là nặng, ơn bi-mẫu còn nặng hơn thế!
– Mẹ có mười đức: Một là, như đại-địa: vì trong thai mẹ là chỗ nương-tựa của con. Hai là, năng-sinh: mẹ phải trải qua mọi sự khổ-não mới sinh được con. Ba là, năng-chính: thường do tay mẹ ve-vuốt, uốn-nắn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân con. Bốn là, dưỡng-dục: mẹ phải theo hợp bốn mùa mà nuôi-nấng con khôn lớn. Năm là, trí-giả: mẹ thường dùng phương-tiện, làm cho con sinh trí-tuệ. Sáu là, trang-nghiêm: mẹ lấy những chuỗi ngọc đẹp trang-sức cho con. Bảy là, an-ẩn: mẹ ôm-ấp con, làm cho con nghỉ-ngơi an-lành. Tám là, giáo-thụ: mẹ dùng phương-tiện khéo dắt-dẫn con. Chín là, giáo- giới: mẹ dùng lời nói lành để con xa-lìa những điều ác. Mười là, cho gia-nghiệp: mẹ thường đem gia-nghiệp giao lại cho con.
– Thiện-nam-tử! “Ở thế-gian này gì là rất giàu? gì là rất nghèo? -Bi-mẫu tại đường, là giàu; bi-mẫu bất-tại là nghèo; bi-mẫu còn sống là mặt trời giữa trưa, bi-mẫu mất đi là mặt trời đã lặn; bi-mẫu còn sống là mặt trăng sáng, bi-mẫu mất đi là đêm tối! Thế nên, các ông nên siêng-năng tu-tập về sự hiếu-dưỡng phụ-mẫu thêm, thời như người cúng Phật, phúc-báo ấy và phúc-báo này bằng nhau không khác! Các ông nên báo ơn phụ-mẫu như thế!
Lời dạy của Đức Phật về hiếu hạnh trong Sám pháp Mục Liên
– Làm con hiếu thảo theo lời kinh dạy là cố gắng tu trì, diệt trừ tội chướng, thanh tịnh hành vi, cha mẹ hiện tiền sống lâu trăm tuổi, tổ tiên quá khứ rũ sạch oan khiên.
– Tất cả mọi người nên phát tâm làm mọi phước đức để báo đáp ân sâu, cha mẹ hiện tiền, cha mẹ quá khứ đều nhờ công đức ấy mà được vãng sinh về Tịnh độ.
– Làm con hiếu thảo phải thuận kính cha mẹ, báo đáp ân sâu, quy y Tam bảo, kiên trì trai giới, thiết lập đạo tràng, siêng tu sám pháp, cầu xin sám hối thay cho cha mẹ, mong độ cha mẹ thoát khỏi huyết bồn, sanh về cõi trời hưởng mọi an lạc.
Lời dạy của Đức Phật về hiếu hạnh trong Kinh Phật thuyết Đại báo Phụ mẫu Trọng ân
– Ví có kẻ nào hai vai kiệu cõng cha mẹ đi chơi suốt cả mọi nơi trên rừng dưới biển, hai vai nặng trễ mòn cả đến xương, máu chảy cùng đường, không hề ân hận. Cho dù như vậy cũng chưa báo đáp được công đức cha mẹ kể trong muôn một.– Ví lại có người khi gặp đói kém, cắt hết thịt mình, dưỡng nuôi cha mẹ, khỏi lúc nguy nan, riêng mình cam chịu trăm ngàn muôn kiếp để báo thâm ân, chẳng được một phần kể trong muôn một.
– Ví lại có người trải trăm ngàn kiếp tự tay cầm dao khoét đôi mắt mình, luyện làm thang thuốc chữa bệnh mẹ cha như thế cũng là chưa trả được ân kể trong muôn một.
– Ví lại có người trải trăm ngàn kiếp vì tội mẹ cha, trăm nghìn vòng đao, băm vằm thân thể, thịt nát xương tan như thế cũng chưa trả được ân đức cha mẹ kể trong muôn một.
– Ví lại có người trải trăm ngàn kiếp vì báo ơn mẹ, lấy mình đốt đèn cúng dường chư Phật như thế cũng chưa trả được ân kể trong muôn một.
– Ví lại có người trải trăm ngàn kiếp vì bệnh mẹ cha, đập xương lấy tủy để làm thang thuốc chữa bệnh cho cha mẹ như thế cũng chưa trả được ân kể trong muôn một.
– Ví lại có người trải trăm ngàn kiếp vì cứu mẹ cha, nuốt viên sắt nóng sém cả mình như thế cũng chưa trả được ân đức cha mẹ kể trong muôn một.
Minh An (Tổng Hợp) – phatgiao
1 bình luận trong “Một số lời dạy của Đức Phật về hiếu hạnh”