Lục Tổ nói:
“Đối trước cảnh thiện ác, tâm niệm chẳng khởi là tọa, trong thấy tự tánh bất động là thiền”.
– Vậy đối với hành giả tham thiền, thế nào là niệm khởi và niệm chẳng khởi?
– ĐÁP: Kinh Lăng Nghiêm nói:
“Vô minh bắt đầu bởi giác minh thành lỗi lầm”.
Bản giác tức tự tánh, vốn chẳng phải minh hay vô minh, hễ chấp vào cái minh thì phải có sở minh, rồi có năng minh. Minh là biết.
Kinh nói “Chữ BIẾT là cửa của tất cả tai họa”, hễ biết được một niệm khởi tức có sanh, là vọng; biết cái “Không khởi” cũng là sanh. Do có biết tức có năng sở, là sanh; biết sanh cũng là sanh, biết “Vô sanh” cũng là sanh, nên chư Tổ nói là “Cửa tai họa để chịu khổ luân hồi”.
Nay tham thiền là nhìn ngay chỗ một niệm chưa sanh, chỗ đó chẳng phải sự biết hay không biết, cần phải tự ngộ, chẳng thể nói được, vì hễ nói là qua suy nghĩ.
Bất cứ chấp vào lời nói nào của Phật, của Tổ đều là bệnh, như bài Duy Tâm Quyết của ngài Vĩnh Minh trong phần phụ lục của Bửu Tạng Luận, nói đến 120 điều tà tông kiến giải, đều là chấp vào lời của Phật, của Tổ thành tà tông.
Cho nên, Lục Tổ nói: “Nay ta gượng nói ra, khiến ngươi bỏ tà kiến, chớ chấp theo lời nói, mới cho biết ít phần”.
DUY LỰC NGỮ LỤC