Ngày xưa lúc Phật còn tại thế, vua Lưu Ly mang đại binh đi đánh nước Ca-tỳ-la-vệ (vua cha của Đức Phật trị vì). Phật từng đích thân đi gặp vua Lưu-ly thỉnh cầu giải quyết hòa bình, nhưng cuộc “đàm phán” không thành.
Quân đội vua Lưu ly chiếm thành, chém giết rất nhiều người, xương chất thành núi. Lúc đó tôn giả Mục Kiền Liên (đệ tử của Đức Phật) đã dùng thần thông hút 500 người dòng họ Thích Ca vào trong bát, đưa lên cung trời tỵ nạn. Khi hết chiến tranh, mở bát ra, 500 người trong bát trở thành bát máu.
Tôn giả Mục Kiền Liên hỏi đức Phật nguyên nhân. Phật kể, vào kiếp quá khứ xa xưa, có một thôn trang, trong thôn có một hồ cá lớn. Vào một ngày lễ, mọi người trong thôn kéo cá ăn thịt. Trong đó có một con cá lớn cũng bị bắt. Lúc đó có một đứa trẻ ăn chay, nhưng vì nghịch ngợm đã dùng gậy gõ đầu con cá lớn ba cái.
Con cá lớn đời trước chính là vua Lưu-ly bây giờ, các con cá nhỏ chính là đội quân vua Lưu-ly hiện tại, những người trong thôn hiện nay là người dòng Thích ca bị giết, đứa trẻ không ăn cá nhưng gõ đầu cá ba cái chính là Đức Phật.
Dòng họ Thích Ca của đức Phật gần như gặp phải nạn diệt chủng, nhưng Ngài không dùng thần thông để đánh bại kẻ thù, cứu lấy dòng tộc. Vì tất cả là Nghiệp báo, Nhân quả. Kiếp trước những người của dòng họ Thích Ca đã sát sinh nên đến kiếp này phải thọ nhận quả báo, thần thông cũng không thể cứu thoát được.
Phật nói: “Định nghiệp khó chuyển”. Vì định nghiệp khó tránh nên 500 người dòng họ Thích Ca tuy được Tôn giả Mục Kiền Liên cứu thoát, cũng không tránh khỏi cái chết. Sau này vua Lưu-ly cũng bị đọa địa ngục.
Chiến tranh đi liền với sát sinh và đồng nghĩa với tội ác. Sát sinh là nhân, chiến tranh là quả và ngược lại. Hai yếu tố này hỗ trợ cho nhau để tạo nên chia lìa, đau đớn, khủng hoảng cho con người.
Người đời cho rằng nguyên nhân gây ra chiến tranh là do quân xâm lược hoặc những kẻ phản quốc bán nước. Tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân chính.
Theo đạo Phật, nguyên nhân gây ra chiến tranh là do con người còn sát sinh, giết hại thú vật, không biết quý trọng mạng sống của đồng loại.
Mọi người đều cho rằng, tội của người giết nặng còn tội của người ăn nhẹ, điều này không đúng. Tất cả đều phải chịu quả báo như nhau.
Người ăn thịt, tuy không giết hại vật, nhưng cũng khó thoát khỏi nghiệp sát. Nếu không giết con vật thì không có thịt bán, người đem tiền mua thịt chịu tội thay cho người giết hại.
Nếu mọi người trên trái đất này đều ăn chay thì con người sẽ giảm bớt sự tham lam và sân si. Một nhà bác học đã từng nói: “Muốn thế giới hòa bình, trong bữa ăn của con người phải không có thịt, cá… “.
Quả đúng như vậy, nếu không muốn chiến tranh thì con người phải chấm dứt nghiệp sát, thực hành ăn chay, phóng sinh, yêu thương con người và loài vật.
(Nguồn: phatgiao.org.vn)
1 bình luận trong “Xử sự của Đức Phật khi biết tin cả dòng họ bị giết hại?”