Hùng biện chính là khả năng diễn thuyết đạo lý một cách mạnh mẽ, sâu sắc làm lay động tâm hồn người khác. Trên bước đường hoằng dương Chánh Pháp đi khắp mọi chốn nghìn nơi, người đệ tử Phật sẽ phải đương đầu với rất nhiều gian nan, thử thách. Một trong những chướng ngại lớn nhất chính là sự cố chấp của chúng sinh.
Những chúng sinh cang cường nhất sẽ cố thủ trong các bức tường thành vững chắc khóa kín tâm hồn họ. Bức tường ấy được bồi đắp bởi dày đặc những chấp ngã, vô minh, thành kiến, những niềm tin mù quáng, sự kiêu căng tự phụ… Để bảo vệ nó, họ sẽ đưa ra rất nhiều lý lẽ ngụy biện, những lập luận gài bẫy, những thắc mắc vô cùng kỳ lạ khiến ánh sáng chân lý khó có thể tìm được lối vào.
Tôn giả Đại Ca Chiên Diên là ngôi sao sáng trong hàng đệ tử của Thế Tôn, Ngài là vị Thánh Tăng tiên phong trong công hạnh hóa giải những vấn đề hóc búa như thế. Đặc biệt, Ngài chỉ dùng những ngôn từ hết sức bình dị, những câu nói giản đơn nhưng hàm chứa uy lực lớn lao, phá tan bức tường thành trong tâm hồn của chúng sinh, giúp họ thấy được sự nhiệm màu trong giáo Pháp.
Trong những cuộc đối đáp, lập luận sắc bén và sự khéo léo của ngôn từ sẽ giúp chân lý được sáng tỏ. Đối trước những vấn nạn hóc búa, những thắc mắc kỳ lạ, những lập luận gài bẫy, Tôn giả đã thuyết phục, giải bày dẫn dắt cực kỳ hấp dẫn mà không ai có thể không hài lòng. Còn chính tấm lòng đại lượng của Tôn giả lại chinh phục tâm hồn của mọi chúng sinh, dù là cang cường nhất. Ngài chỉ bảo không vì danh lợi, không một chút hơn thua, luôn kiên trì, nhẫn nại, đầy lòng từ bi và dũng lực. Nhờ vậy mà những bài Pháp thiêng liêng không chỉ trên lý thuyết nữa, mà đã sống động trong từng hơi thở của cuộc đời.
Câu chuyện dưới đây là một minh chứng. Trên đường từ Xá Vệ trở về quê hương Avanti, khi đang trên chiếc bè giữa sông Hằng, một kẻ chợt đứng dậy rút gươm kề cổ người lái bè và chỉ tay vào Tôn giả:
– Vị Sa môn kia, tôi muốn hỏi ông một câu, nếu trả lời được tôi sẽ cho bè cập bến, nếu không thì chiếc bè này sẽ trôi tự do đưa các người ra biển.
– Này thí chủ, hãy hỏi đi. – Tôn giả đáp lại.
– Trên đời này, điều gì là tôn quý nhất?
– Này thí chủ, không làm khổ mình, không làm khổ người, đó là điều tôn quý nhất!
– Sa môn đáp sai rồi, điều tôn quý nhất chính là Phạm Thiên trên trời cao.
Kẻ kiếm khách cau mày lại khiến gương mặt càng trở nên u tối và cực đoan. Vị Sa môn đã động chạm vào niềm tin hằn sâu trong lòng anh ta. Tôn giả Đại Ca Chiên Diên chỉ mỉm cười đối đáp:
– Hiền giả cũng đáp sai rồi. Khi nãy hiền giả hỏi là “trên đời” sao bây giờ lại bảo rằng “trên trời cao”? Phạm Thiên trên cao không người nào nhìn thấy, nhưng hiền giả hãy nhìn xem, nỗi khổ cuộc đời có ai mà chưa trải qua? Đó là khi thân quyến xa lìa, tai họa ập đến, già bệnh chết đang chờ đợi. Từ vua chúa cho đến người nghèo khổ, không ai là không bị đau khổ. Những nỗi khổ tràn ngập khắp cuộc đời, vì vậy, người nào thoát được khổ đau thì người đó là tôn quý nhất.
Kẻ kiếm khách lúng túng bởi niềm tin của mình đang bị lung lay mạnh mẽ. Anh ta hỏi lại:
– Vậy Sa môn đã thoát khỏi khổ đau chưa?
– Này hiền giả, ta sẽ không nói cho người đang cầm gươm làm kinh sợ cả đoàn như thế. Lưỡi gươm trên tay tuy oai hùng nhưng chỉ để che đậy sự yếu đuối bởi bất lực trước những đau khổ đang giấu kín trong lòng mà thôi. Kỳ thực, cuộc đời hiền giả cũng đã quá nhiều đau khổ không nói thành lời rồi.
Nghe lời nói đó, kiếm khách buông gươm quỳ xuống khóc nức nở. Khi đó, Tôn giả nhẹ nhàng ban lời dạy:
– Này thí chủ, hãy dùng lưỡi gươm vô hình của trí tuệ mà đoạn trừ phiền não khổ đau nơi chính mình.
Người kiếm khách cứ ngẩn người lẩm bẩm một mình câu nói ấy, cho đến khi bè cập bến và Tôn giả đã đi xa khuất. Cuộc đời vĩ đại của Ngài để lại muôn vàn bài học quý giá về lòng tôn kính Phật, sự khiêm hạ tột cùng, sự cống hiến hy sinh không quản ngại gian khó để thắp nguồn Chánh Pháp đến từng chúng sinh.
Trích Thánh Độ Mệnh “Tôn giả Đại Ca Chiên Diên” – Thượng tọa Thích Chân Quang.
Và trích Tập 24: Đệ nhất Hùng Biện, Bộ truyện tranh Đỉnh Núi Tuyết – Thượng tọa Thích Chân Quang.