Tu là sửa. Sửa cái gì? Ví dụ hồi xưa mình thương nhiều quá, bây giờ sửa lại, thương vừa vừa thôi. Hồi đó mình mê thích cái gì là theo chết cái đó, bây giờ sửa lại thích vừa vừa thôi. Hồi xưa mình ghét cái gì sống để dạ chết mang theo, bây giờ sửa lại ghét một chút thôi. Hồi xưa mình thích nhà cao cửa rộng, ăn sang mặc đẹp, bây giờ sửa lại ở đâu cũng được, ăn sao cũng ngon, càng giản dị càng tốt. Tu tập lần lần như vậy, chắc chắn không sớm thì muộn chúng ta cũng sẽ đến được bờ Niết-bàn giải thoát, không còn chìm đắm trong biển khổ sanh tử nữa.
Sở dĩ chúng ta khổ là vì không buông bỏ được, mà cứ gom góp thêm vào. Ăn một bữa để dành trăm bữa. Gần chết mà của cải tài sản chưa sắp đặt xong thì chết không yên. Phút lâm chung mà tâm vọng động dấy lên thì nó kéo đi liền, trong lúc hốt hoảng, thần thức tối tăm, chui vào da lừa bụng ngựa khổ càng thêm khổ. Trong kinh có kể câu chuyện thế này.
Một hôm Phật đi khất thực, ngang nhà một vị cư sĩ rất giàu có. Chủ nhà đi vắng, con chó trong nhà thấy Phật sủa dữ. Đức Phật mới nói: “Ngươi do lòng tham không buông được, mang thân lông lá, nằm giữ của như vậy mà chưa tỉnh, còn làm dữ nữa”. Con chó nghe rồi buồn, nằm co lại không ăn uống gì cả. Ông chủ đi về thấy con chó cưng của mình buồn, hỏi ra mới biết đức Phật là nguyên nhân làm cho nó bỏ ăn bỏ uống. Ông tức quá, liền đi tìm Phật. Gặp Thế Tôn, ông liền lớn tiếng hỏi:
– Sa môn Cù Đàm! Con chó của tôi giữ nhà tốt như vậy, bây giờ ông làm sao nó buồn đến bỏ ăn, tôi bắt đền ông đó.
Đức Thế Tôn để cho ông nói hết, rồi từ tốn giải thích:
– Con chó ấy là mẹ của ông. Ngày trước mẹ ông sắp qua đời, còn của cải để trong cái hũ chôn dưới gầm giường, chưa kịp dặn ông. Vì tâm luyến tiếc, một là thương ông, hai là thương của nên bây giờ phải đọa làm thân chó nằm giữ của cho ông. Ông chẳng biết mẹ mình khổ sở tới bực nào, lại còn lớn tiếng với Như Lai! Nếu không tin, ông về đào dưới gầm giường lên sẽ thấy rõ.
Nghe đến đây, ông hoảng quá chạy ngay về nhà, theo lời đức Phật nói, ông đào dưới gầm giường quả thật thấy những hũ vàng vẫn còn nằm đó. Chừng ấy, ông mới đến khóc lóc năn nỉ đức Thế Tôn dạy cho cách cứu mẹ. Đức Phật dạy ông những gì lâu nay buộc thì bây giờ mở ra. Con chó đã được Phật khai thị, nó hiểu ra rồi nên đã thoát kiếp súc sanh. Ông về chôn cất tử tế rồi phát tâm cúng dường, bố thí hồi hướng công đức ấy cho mẹ. Đồng thời cũng mở rộng lòng ra, đừng tham luyến tài sản thế gian nữa, làm lành lánh dữ. Như vậy mới mong sau này không khổ. Từ đó ông Trưởng giả trở thành người Phật tử tín tâm kiên cố và hộ pháp rất đắc lực.
Nhân quả rõ ràng như thế, dấy tâm động niệm không tốt thì sẽ bị buộc ràng trong ba cõi. Cho nên Hòa thượng thường nhắc nhở chúng ta phải ráng tu, phải tin hiểu Phật pháp một cách đúng đắn, rồi từng bước áp dụng vào đời sống tu tập của mình. Áp dụng được, có công phu rồi sẽ được lợi lạc thiết thực, điều này không nghi. Nói tin hiểu, nói phát tâm, là giai đoạn chuẩn bị, bây giờ chúng ta phải bắt tay vào làm. Muốn hành đạo cho có kết quả phải làm sao? Trong kinh dạy:
“Đạo không hình tướng, biết suông vô ích, cần phải thủ chí tu hành, ví như người lau gương sạch bụi, gương sáng thì liền thấy bóng mình. Người hành đạo mà dứt dục, chứng không, đạo chân thật hiện bày trước mắt”. Đó là những lời dạy hết sức giản dị, mà cũng hết sức thiết yếu. Nói đến hành đạo, Phật ví dụ như lau gương. Gương để lâu rồi, bên ngoài bụi bám dày đặc nên gương bị mờ, bây giờ nói lau gương, thật ra là lau bụi. Người biết hành đạo là người biết lau bụi, tức hằng ngày hằng giờ hằng phút giây lau cho sạch tất cả những bụi bặm phiền não bám trên gương tâm. Lau sạch bụi rồi thì gương tự sáng, không thêm gì hết. Thật ra, gương vẫn sáng từ hồi nào đến giờ, nhưng vì bụi bám nên ta không thấy ánh sáng phát ra bên ngoài. Bây giờ lau cho hết bụi thì gương sáng ngay.
Hành đạo cũng vậy, sở dĩ chúng ta niệm Phật, tụng kinh, ngồi thiền là vì giặc phiền não quấy nhiễu loạn động quá. Muốn nó yên thì phải mượn phương tiện để cột tâm lăng xăng lộn xộn lại, đừng cho nó phóng chạy ra ngoài nữa. Khi các thứ vọng tưởng đã yên rồi, cái chân thật bên trong tự hiện, đâu phải từ đâu đem đến. Tuy nhiên, nếu ta không tẩy rửa phiền não, không để chúng lóng lặng xuống, thì không thể nhận ra mặt mũi thật của mình được.
Chúng ta tu, phát tâm hành đạo thì đừng vướng mắc gì hết. Như đầm nước trong hiện bóng con nhạn bay qua, Nhạn bay thì cứ bay, nó không có ý lưu bóng trong đầm nước. Đầm nước trong hiện bóng nhạn thì cứ hiện, cũng không có tâm giữ bóng chi hết. Như vậy cả đầm và nhạn đều vô tâm. Chúng ta cũng vậy, trong đời sống có vô vàn việc phải làm. Phật Tổ cho phép mình làm nhưng đừng dính mắc với nó. Làm sao lòng mình yên ổn như đầm nước trong, mọi việc đến rồi đi, không lưu lại dấu vết gì. Cố gắng trong hiện tại ta là bầu trời trong, là đầm nước trong, như vậy mình là người có trí tuệ.
Chúng ta tu là sống trở lại phút ban đầu bình thường giản dị khi cha mẹ mới sanh, không tính toan bận bịu trong lòng. Cho nên trong nhà thiền thường nói đến “hạnh anh nhi” là vậy. Đừng đắm trước, đừng vướng mắc, đừng bảo thủ, đừng có cái của mình. Từ chỗ bình thường mà nhìn thấy mọi vật thì chân trời kiến đế mở ra, ta thấy đạo. Đạo lý không ở ngoài những cái thông thường này. Thấy như thế, nói như thế, làm như thế, ăn như thế, nghĩ như thế, đi đứng tiếp xúc ngoại giao tất cả đều như thế.
Sở dĩ mình lẩm cẩm, lẩn thẩn là vì cứ tụng đi tụng lại những hình ảnh bên ngoài. Người tu phải cởi mở, buông hết, không để vướng mắc bất cứ thứ gì. Đó là cách hành đạo hay nhất. Đi biết mình đi, ăn biết mình ăn, thân này có rồi biết sẽ hoại, biết rõ như vậy, không đắm trước, không vướng mắc, không ỷ lại. Biết như vậy là biết đúng chân lý. Điều này không phải ai cho mình, mà tự mình gầy dựng, tự mình tu tập, tự mình vững niềm tin, tự mình phát tâm và hành đạo.
Cuối cùng tôi mượn lời Phật dạy để kết thúc bài giảng hôm nay: “Đệ tử ta, dù ở xa ta ngàn dặm, tâm nghĩ đến giới của ta mà tu thì được đắc đạo. Trái lại dù kẻ ở bên cạnh ta mà tâm tà cũng chẳng bao giờ đắc đạo”. Dẫn câu này cho tất cả chúng ta ý thức rằng, dù bây giờ mình cách Phật quá xa, nhưng nếu thực hành đúng lời Phật dạy thì cũng như gần Phật. Chúng ta vững niềm tin hành đạo thì nhất định sẽ đạt đạo. Đó mới gọi là người biết ơn và báo ơn chư Phật.
Chúc toàn thể quý vị đầy đủ niềm tin vững tiến trên con đường Phật đạo
Trích “TIN MÌNH ĐỂ TU”
Hòa Thượng Thích Nhật Quang