Ngày xửa ngày xưa, ở thành Xá Vệ, thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế; có một vị tỳ kheo tên là Chu Lợi Bàn Đặc. Ngược lại với người anh trai Ma Ha Bàn Đặc thông minh, sáng dạ, học một hiểu mười; ngài Chu Lợi Bàn Đặc lại là người ngốc nghếch, khờ khạo, học đâu quên đó.
Dưới sự dạy dỗ tận tình của tôn giả A Nan và ngài Ma Ha Bàn Đặc – người được biết đến như vị huynh trưởng xuất sắc, lỗi lạc đã giúp đỡ nhiều vị tỳ kheo thành tựu trạng thái nhất tâm trong thiền định; thì suốt bao năm tháng, sự tu học của ngài Chu Lợi Bàn Đặc vẫn dậm chân tại chỗ và không có chút tiến triển nào. Dù cố gắng bao nhiêu, ngài vẫn không thể nào nhớ nổi bài kệ ngắn nhất mà bất kỳ người chăn cừu nào cũng có thể học thuộc. Bất lực và đau khổ, ngài nhỏ lệ oán thán:” Người người đều có thể học được cách để an lạc, hạnh phúc! Tại sao riêng ta không thể?!”
Những tưởng cuộc đời tu sĩ của ngài sẽ chấm dứt khi ngài Ma Ha Bàn Đặc quyết định từ bỏ việc hướng dẫn ngài, khiến ngài tuyệt vọng nghỉ học, rời bỏ tăng đoàn; thì Đức Thế Tôn, sau khi tỏ tường câu chuyện, đã tìm đến ngài và trao truyền ngài một pháp tu riêng – gọi là pháp tu quét rác. Pháp tu này vô cùng đơn giản! Hằng ngày, công việc của ngài là quét dọn tịnh xá và đường đi xung quanh, trong lúc quét thì lẩm nhẩm đúng bốn chữ “ Phủi bụi, trừ dơ.”
Tháng năm dần trôi, ngài Chu Lợi Bàn Đặc kiên trì, miệt mài quét dọn và tụng niệm đúng bốn chữ “Phủi bụi, trừ dơ” mà Thế Tôn giảng dạy. Dần dần, bên trong ngài phát khởi định tâm – trạng thái tâm an tĩnh, ngưng hết mọi ồn ào, lao xao, xáo động.
Cho đến một ngày, nhìn cây chổi và thân thể từ sạch sẽ vì cát bụi mà trở nên bẩn thỉu, dơ dáy; ngài ngộ ra sự thật về Vô Thường – sự biến đổi của vạn vật khi các điều kiện hợp thành thay đổi; từ đó tiếp tục ngộ sâu hơn đến Vô Ngã – thấy hành động quét nhưng không còn thấy người nào quét nữa. Ngài chứng đắc quả A La Hán chỉ bằng pháp tu đơn giản duy nhất – pháp tu quét rác.