Nơi an trụ trên thiên giới (mandala) của Dorje Shugden là một cung điện ba tầng, được hiển lộ từ tâm giác ngộ của ngài. Khi chúng ta tu tập vị Hộ Pháp giác ngộ này, chúng ta sẽ cầu khẩn đến Dorje Shugden và đầy đủ 32 vị thần tùy tùng của ngài, tương ứng với 32 vị thần trong mandala thân của Đức Bí Mật Tập Hội Kim Cương. Vì vậy, quan trọng là phải nhận thức được những yếu tố khác nhau tạo nên mandala linh thánh của Dorje Shugden để có thể quán tưởng một cách rõ ràng khi thiền định cũng như khi tu tập hàng ngày.
*** Ngũ bộ Phật của Dorje Shugden
Dorje Shugden ngụ ở tầng trệt của cung điện với năm thân tướng khác nhau. Thân tướng chính của ngài là Duldzin, người cưỡi trên lưng sư tử tuyết. ‘Ngũ bộ Phật của Dorje Shugden’ là tên gọi chung của thân tướng chính và bốn hóa thân khác của ngài.
Năm thân tướng đó biểu thị cho năm uẩn của Dorje Shugden; mỗi uẩn biểu thị cho một thân tướng tách biệt. Điều này giống như một người mặc những đồng phục khác nhau để phù hợp với các nhiệm vụ khác nhau. Ví dụ: một người có thể mặc đồng phục của cảnh sát để đại diện cho luật pháp, trang phục của bác sĩ đại diện cho ngành y tế, v.v. Do đó, Dorje Shugden mang đồng thời năm ‘đồng phục’ khác nhau nhằm thực hiện các hoạt động giác ngộ khác nhau.
Các thân tướng đó của Dorje Shugden cũng tương ứng với Năm vị Phật: Phật A Di Đà (Amitabha), Phật A Súc Bệ (Akshobhya), Phật Tỳ Lô Giá Na (Vairochana), Phật Bất Không Thành Tựu (Amoghasiddhi) và Đức Phật Bảo Sanh (Ratnasambhava). Mỗi thân tướng đại diện cho mỗi uẩn đã được tịnh hóa khỏi một vọng tưởng cụ thể. Vì vậy, mục đích bên trong của mỗi thân tướng đó là loại bỏ những chướng ngại liên quan đến mỗi uẩn tương ứng.
*** Duldzin Dorje Shugden
Vị thần chính là Duldzin và tên này được đặt theo tên kiếp trước của ngài là Duldzin Drakpa Gyaltsen, Người nắm giữ Luật tạng và là một trong tám đệ tử chính của Lama Tsongkhapa. Ngài đội trên đầu chiếc mũ vòm vàng của một vị lạt ma du hành và khoác trên mình ba bộ pháp y của một tu sĩ.
Ngài cầm trên tay một thanh gươm trí tuệ uốn khúc và trái tim của kẻ thù (tượng trưng cho sự cắt đứt tận cùng gốc rễ của vô minh) và mang theo một chiếc móc thuần phục gắn bên trên một chiếc gậy ở cánh tay trái. Ngài cưỡi trên lưng sư tử tuyết để tượng trưng cho sự dũng cảm tuyệt vời của ngài.
Duldzin là biểu thị cho thức uẩn hay Đức Phật A Súc Bệ (Akshobhya) và vì vậy, Ngài có khả năng đối trị tâm sân hận và lòng thù địch. Ngài ban trí tuệ và tiêu trừ mọi chướng ngại cả bên trong lẫn bên ngoài.
*** Shize Vairochana Shugden
Shize là thân tướng “an hòa” của Dorje Shugden, ngài xuất hiện dưới hình tướng là một chàng hoàng tử rạng rỡ với nụ cười nửa phẫn nộ. Ngài cầm một mũi tên nghi lễ được buộc chặt với một chiếc gương trong tay phải, và cầm một sợi dây thòng lọng trong tay trái. Với sắc thân màu trắng và khoác trên mình áo choàng lụa màu trắng, ngài đội khăn xếp vàng và cưỡi voi Vua.
Shize là biểu thị cho sắc uẩn hay Đức Phật Tỳ Lô Giá Na (Vairochana), chính vì vậy nên Ngài có thể chống lại sự vô minh. Ngài có khả năng tịnh hóa ác nghiệp, chữa lành các bệnh hiểm nghèo và làm giảm thiên tai.
*** Gyenze Ratna Shugden
Gyenze là hình tướng “tăng trưởng” của Dorje Shugden. Tay phải ngài cầm một chiếc bình trường thọ cùng với cây ước nguyện hướng lên trời và tay trái cầm một chiếc bát chứa đầy ngọc. Đôi khi ngài lại được miêu tả là đang giữ chiếc móc trượng và ngọn cờ chiến thắng ở cánh tay trái. Với sắc vàng, Ngài khoác trên mình một chiếc choàng màu vàng sang trọng và cưỡi ngựa palomino bằng vàng.
Tượng trưng cho thọ uẩn hay Đức Phật Bảo Sanh (Ratnasambhava) nên Gyenze có khả năng chống lại sự kiêu ngạo và keo kiệt. Ngài làm tăng trưởng sinh lực, trí tuệ, sự giàu có cả bên trong lẫn bên ngoài, và ban tất cả những gì tốt đẹp nhất.
*** Wangze Pema Shugden
Wangze là hình tướng “kiểm soát” của Dorje Shugden, thân ngài đỏ như máu với diện mạo nửa phẫn nộ và quyến rũ, ngài cầm chiếc móc kim cương thuần phục ở tay phải và một chiếc dây thòng lọng nạm ngọc ở tay trái. Ngài khoác trên mình áo choàng lụa đỏ được trang trí bằng hoa và cưỡi trên lưng con rồng màu xanh ngọc.
Tượng trưng cho tưởng uẩn hoặc Đức Phật A Di Đà (Amitabha) nên ngài Wangze có khả năng chống lại ham muốn và dục vọng. Ngài mang lại một tâm hồn thư thái và giúp thuần phục những người khó tính và xoay chuyển tình huống tiêu cực.
*** Trakze Karma Shugden
Trakze là hình tướng cực kỳ phẫn nộ của Dorje Shugden với thân màu đỏ sẫm và vẻ ngoài cực kỳ phẫn nộ. Ngài cầm một thanh kiếm khổng lồ ở tay phải và ôm một trái tim đang rỉ máu ở tay trái. Ngài mặc y phục lụa màu đen và cưỡi trên lưng Đức Kim Súy Điểu (Garuda) quyền năng.
Tượng trưng cho hành uẩn hay Đức Phật Bất Không Thành Tựu (Amoghasiddhi) nên ngài Trakze có thể đối trị lại sự ghen tị và sợ hãi. Thực hành về ngài mang lại hiệu quả đặc biệt trong việc vượt qua mạnh mẽ các chướng ngại, những mối đe dọa về tính mạng, môi trường sống bất ổn và bạo lực, cũng như vượt qua những trở ngại to lớn trong các hoạt động về tinh thần lẫn thể chất.
**** Đoàn tùy tùng của Dorje Shugden
Đoàn tùy tùng của Dorje Shugden bao gồm Chín vị phối ngẫu, Tám vị tu sĩ chỉ dẫn và Mười vị phẫn nộ trẻ trung- tất cả đều được hiển lộ từ tâm trí của ngài. Với nhiều dáng vẻ và hình tướng khác nhau, các ngài bao quanh Ngũ Bộ Phật của Dorje Shugden và thực hiện các nhiệm vụ riêng biệt trên con đường tâm linh của hành giả nói chung và thực hành Dorje Shugden nói riêng.
* Tám vị tu sĩ chỉ dẫn
Tám vị tu sĩ mặc y vàng và đội trên đầu các loại mũ tu sĩ khác nhau như mũ vòm vàng, mũ pandit, mũ vàng, mũ thiền trí, v.v. Mỗi vị mang theo các pháp cụ khác nhau như cây tích trượng, bát khất thực, bản kinh văn, pháp khí chuông chày kim cang, cây chĩa ba khatvanga, v.v.
Tám vị Tu sĩ chỉ dẫn hỗ trợ các hành giả bằng cách bạt trừ các chướng ngại và tạo điều kiện thuận lợi cho việc gìn giới luật và phát triển Giáo Pháp. Đặc biệt, họ trợ giúp các đệ tử thành tâm trong việc thực hành Kinh điển.
* Chín vị phối ngẫu
Chín thiên nữ xinh đẹp hay còn được gọi là dakini. Các ngài mặc áo lụa thiên giới, trang hoàng trên thân bằng tám món trang sức và mang theo năm đồ vật tượng trưng cho ái dục.
Chín vị phối ngẫu cho phép chúng ta phát triển khả năng kiểm soát năm giác quan và bốn yếu tố bên trong cơ thể. Đặc biệt, các ngài hỗ trợ các đệ tử nhiệt thành trong việc tu tập Mật điển (Tantra) để đạt được các chứng ngộ thông qua các cấp thiền định cao hơn.
* Mười vị phẫn nộ và trẻ trung
Mười vị thần phẫn nộ trẻ trung mang hình dáng của những chiến binh Trung Quốc, Mông Cổ, Nepal, Tây Tạng, Kashmiri và Bengali. Các ngài có những biểu cảm khuôn mặt khác nhau, từ mỉm cười đến phẫn nộ và mang theo nhiều vũ khí sắc bén trong tay.
Các ngài có thể giúp hành giả đẩy lùi những chướng ngại cả bên trong lẫn bên ngoài, và đặc biệt hỗ trợ những đệ tử nhiệt thành giữ giới nguyện cam kết của họ với người thầy tâm linh của mình.
*** Chư vị Hộ Pháp vĩ đại của Dorje Shugden
Kache Marpo và Namkar Barzin là hai vị đại Hộ Pháp của Dorje Shugden với nhiệm vụ canh gác tại các cổng của mandala. Hai vị Hộ pháp thệ nguyện này đã giao phó mạng sống của mình cho “nhà vua” của họ là Dorje Shugden và thực hiện nhiệm vụ của mình như các vị đại thần hỗ trợ nhà vua trong quá trình điều hành vương quốc. Cả hai đều không phải là hóa thân của Dorje Shugden mà là các vị Hộ Pháp đúng nghĩa.
* Kache Marpo
Hộ Pháp Kache Marpo là một hóa thân của Đức Mã Đầu Minh Vương (Hayagriva). Kể từ khi Dorje Shugden xuất hiện, vị Hộ pháp giác ngộ này đã thệ nguyện ràng buộc mình với Dorje Shugden và trở thành hộ pháp chính của ngài. Mặc dù đã hoàn toàn giác ngộ, Kache Marpo vẫn thể hiện một tinh thần “tsen” giống như Hộ pháp Setrap.
Cũng giống như Setrap, ngài sở hữu ba con mắt tượng trưng cho khả năng nhìn thấu cùng lúc quá khứ, hiện tại và tương lai. Biểu hiện phẫn nộ của ngài tượng trưng cho lòng từ bi vĩ đại và sự quan tâm của ngài đối với những đau khổ của chúng sinh. Ngài mặc áo giáp da với năm ngọn cờ chiến thắng bay phấp phới bên trên chiếc mũ bằng da của mình. Ngài cầm một chiếc thòng lọng được buộc vào ‘kẻ thù’ – biểu tượng của sự vô minh – trong khi đó đồng thời xuyên thủng ‘kẻ thù’ bằng một ngọn giáo mạnh mẽ.
Trong kinh điển có một số bằng chứng chứng minh được mối liên quan giữa Kache Marpo và Hộ Pháp Tsiu Marpo, người đứng đầu trong “Bảy Anh Em Sáng Chói” mà Kache Marpo được cho rằng là một trong bảy người này. Câu chuyện về nguồn gốc của “Bảy Anh Em Sáng Chói” kể về Tsiu Marpo, một người đàn ông tên là Lise Chorpa đến từ xứ Li. Ngài là một người đức hạnh sống trong rừng nhưng bị vu oan là một mối đe dọa.
Trong một cuộc săn phù thủy, ngài đã bị một đám đông săn lùng. Và vì quá sợ hãi, nhà vua đã chặt đầu của ngài. Các bộ phận khác nhau của cơ thể như thịt, xương, tim, chất lỏng, v.v. của ngài đã hóa thành “Bảy Anh Em Sáng Chói” mà trong đó Tsiu Marpo là người đứng đầu.
* Namkar Barzin
Namkar Barzin là một vị Hộ Pháp chưa giác ngộ và bị ràng buộc bởi lời thề nguyện trở thành Hộ pháp của Dorje Shugden. Ngài có ba mắt, môi dưới mấm chặt, cầm một chiếc cốc đựng máu ở tay trái và cầm kiếm ở tay phải. Ngài khoác trên mình chiếc y của một tu sĩ và cưỡi trên lưng thần thú Kỳ Lân.
Namkar Barzin xuất hiện vào những năm 1920. Khi còn sống, ngài là một Geshe người Mông Cổ nóng tính. Khi đó, ngài vừa trở về sau chuyến hành hương đến các địa điểm Phật giáo của Ấn Độ. Trên đường trở về Lhasa, ngài dừng lại để thăm Tu viện Dungkar và đột nhiên bị ốm nặng. Lúc bấy giờ vị Lạt ma H.E Domo Geshe Rinpoche của Tu viện Dungkar đã đi vắng, Umze Sherab đã yêu cầu Geshe tiếp tục ở lại để chữa bệnh. Tuy nhiên, Geshe nhất quyết tiếp tục hành trình quay trở lại Lhasa để kịp dự lễ cầu nguyện Monlam.
Trong chuyến đi này, sức khỏe của ngài đã trở lên suy yếu hơn vì điều kiện thời tiết khắc nghiệt và ngài đã qua đời trên một con đường dốc đi đến Phari. Khi nằm hấp hối, ngài đã thực hành thiền định về cái chết. Một số pháp sư địa phương đi ngang qua thi thể. Vì nghĩ rằng ngài đã qua đời nên họ thực hiện những nghi lễ cầu siêu cho Geshe, chính điều này đã gây ra chướng ngại cho quá trình thiền định mà ngài đang thực hiện. Tồi tệ hơn là một số người chăn gia súc địa phương đã chế nhạo xác chết của ngài. Vì quá tức giận, Geshe đã hóa thành một tinh linh phẫn nộ.
Không lâu sau, những người chăn nuôi và gia súc của họ lần lượt bị chết trong hoàn cảnh khủng khiếp. Tất cả đều có biểu hiện sợ hãi trên khuôn mặt như thể họ bị giết bởi kẻ vô hình. Ngay cả các pháp sư cũng không được tha và họ đều chết trong hoàn cảnh tương tự. Một trong số họ thực sự rơi vào trạng thái mê man trước khi chết và thốt ra những tiếng động lạ với bốn ngón tay được giơ lên. Linh hồn của ngài đã tiết lộ số lượng nạn nhân mà ngài sẽ tìm cách báo thù.
Mọi người đã thử rất nhiều cách khác nhau để xoa dịu tinh linh hung dữ này nhưng không có tác dụng. Cuối cùng, ai đó đã thông báo tình huống khủng khiếp này cho Domo Geshe Rinpoche. Trong một nghi lễ mạnh mẽ, vị Lạt ma nhanh chóng chế ngự tinh linh này và giao lại cho Dorje Shugden trông giữ.
Sau đó, Domo Geshe Rinpoche tấn phong Namkar Barzin trở thành Hộ Pháp của Tu viện Tromo và Dungkar. Một đền thờ của vị Hộ Pháp này đã được xây dựng và ngay sau đó, linh hồn của Namkar Barzin tiến nhập vào thân xác của nhà tiên tri và đưa ra những lời khuyên cho tu viện. Những lời cầu nguyện và nghi lễ đã được soạn ra nhằm xoa dịu Namkar Barzin với tư cách là một vị Hộ Pháp đúng nghĩa.
*** Các tầng trên của Cung điện Thần thánh
Ở tầng đầu tiên là nơi ở của vị Hộ Pháp nhanh nhẹn và mạnh mẽ Setrap Chen cùng với đoàn tùy tùng của mình. Setrap là một Hộ Pháp cổ xưa có quan hệ mật thiết với Dorje Shugden. Hóa thân trước đây của Dorje Shugden là Lama Loden Sherab, người đã mang thực hành Setrap đến Tây Tạng và truyền bá ở đây bằng cách tấn phong Setrap làm Hộ Pháp cho tu viện Sangphu của mình. Sau đó, khi các Lạt ma cấp cao cố gắng tiêu diệt Dorje Shugden bằng những nghi lễ hủy diệt vì họ cho rằng ngài là một tinh linh phẫn nộ, Setrap đã thị hiện một số ảo ảnh để đánh lạc hướng nhằm ngăn chặn các Lạt ma hoàn thành nghi lễ của họ, vì vậy Dorje Shugden đã trốn thoát.
Tâm của Setrap chính là tâm của Đức Phật A Di Đà (Amitabha) nhưng Ngài thị hiện dưới thân tướng của một vị Hộ Pháp để làm lợi lạc cho chúng sinh. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi tầng cao nhất của cung điện thần thánh là nơi ở của Đức Phật A Di Đà, bởi vì Ngài chính là tâm nguyên thủy của Setrap.
Người dịch: H.E Drotin Lhamo Rinpoche