Ca Lâu La (Garuda) còn có tên khác là chim đại bàng cánh vàng. Cánh của nó mở ra thì rộng khoảng ba trăm sáu mươi do tuần. Khi đói thì dùng đôi cánh quạt nước biển rẽ làm hai, rồng trong biển sắp chết thì tự nhiên hiện ra, làm thức ăn cho chúng. Chúng có sức ăn rất lớn, một lần ăn một con rồng lớn, năm chục con rồng nhỏ.Khi nó ăn rồng thì trước hết nuốt đuôi rồng vào trong bụng, từ từ tiêu hóa.
Theo Kinh Trường A Hàm thì: “Người Diêm phù đề có ba điều hơn Kim Sí Điểu, đó là:
-
Mạnh mẽ, nhớ dai, có khả năng tạo ra hành nghiệp.
-
Mạnh mẽ, nhớ dai, thường tu hành phạm hạnh.
-
Mạnh mẽ, nhớ dai, Phật ra đời ở cõi này.
Ngược lại, loài Kim Sí Điểu cũng có 3 điều hơn loài người, đó là:
-
Sống lâu.
-
Thân to lớn.
-
Có cung điện lâu các.
Long Vương (Vua rồng) rất lo âu, vì quyến thuộc của loài rồng càng ngày càng bớt đi, sẽ diệt chủng, cho nên đi các nơi cầu cứu, nhưng ai nấy đều bó tay. Có người nói với ông ta nên đi gặp Ðức Phật. Long Vương bèn đến chốn Phật, cầu Phật từ bi, che chở cho rồng con, rồng cháu, để khỏi tuyệt chủng loài rồng.
*
Ðức Phật nói với Long Vương: ‘’Nếu các nhà ngươi giữ được Bát Quan Trai giới, thì chim Ðại Bàng không ăn các ngươi nữa.’’ Do đó Long Vương dẫn quyến thuộc đến chốn Phật, thọ Bát Quan Trai giới. Thọ giới rồi, Phật cho mỗi con rồng một sợi tơ áo Cà Sa cột vào thân. Từ đó về sau, chim Ðại Bàng không còn cách chi ăn rồng được nữa.
Nhưng chim Ðại Bàng không có vật thực để ăn. Y cũng đến chốn Phật khẩn cầu nói: ‘’Chúng tôi hôm nay lấy gì để ăn? ‘’ Ðức Phật nói: ‘’Ta sẽ dạy đệ tử của ta, khi đến bữa trưa ăn cơm, thì trước hết đem ít cơm thí cho các ngươi.’’ Cho nên bây giờ các Chùa khi cúng ngọ, thì đều đem ít cơm thí cho chúng. Ðó là lòng từ bi của Phật, độ hóa loài rồng và chim Ðại Bàng sống hòa bình với nhau.
Chim và rồng đều có bốn thứ sinh, chim sinh bằng trứng không thể ăn rồng hóa sinh, cũng không thể ăn rồng sinh bằng thai, thấp sinh (sinh bằng ẩm ướt), chỉ ăn được rồng sinh bằng trứng. Chim hóa sinh mới ăn được rồng sinh bằng : thai, thấp, hóa, noãn.
Chim đại bàng Kim Sí Điểu ở tại núi Kim Cang, cung điện của chúng dùng bảy báu để trang nghiêm. Khi chúng muốn chết thì không thể ăn rồng, tại sao? Vì thân thể rồng có chất độc. Bình thường chim Ðại Bàng ăn rồng, thì không sợ chất độc, nhưng khi chúng gần chết, thì thân rồng phóng ra chất độc bắn vào mắt, khiến cho mắt không thể mở được, thì không thể bắt rồng để ăn. Bị đói thật khó mà chịu được, bèn nghỉ ngơi trên cây Thiết Thụ. Ðến khi không thể chịu được nữa thì lại bay đến biển tìm rồng để ăn, rồng lại phóng chất độc, y lại chạy đi, cứ như thế đến bảy lần, cuối cùng thể lực kiệt sức, chất độc phát ra mà chết.
Lúc bấy giờ, thi thể của chim Ðại Bàng bị lửa độc thiêu, giống như hỏa diệm sơn bộc phát, thiêu hết tất cả chất cứng chảy ra thành nước. Long Vương Nan Ðà sợ Bảo Sơn (núi báu) bị hủy hoại, bèn làm xuống một trận mưa lớn, hạt mưa lớn như bánh xe để dập tắt ngọn lửa. Bây giờ toàn thân của chim Ðại Bàng đã thành tro, chỉ còn quả tim không bị thiêu hủy, trở thành hạt châu báu, ánh sáng màu lưu ly óng ánh rất đẹp. Vua Chuyển Luân Thánh Vương được hạt châu này, gọi là châu Như Ý, vua Trời Ðế Thích được châu này gọi là Dạ Minh châu.
Tuy nhiên chuyên ăn rồng, nhưng chỉ ăn rồng sắp chết. Trước mắt thì bị chim Ðại Bàng ăn, nhưng thực tế thì hóa độ rồng, khiến cho chúng không còn thọ khổ trong luân hồi nữa, mà thẳng đến bờ bên kia. Cây của chim Ðại Bàng ở gọi là cây Trí Huệ. Y quán sát dục giới, sắc giới và vô sắc giới ba cõi biển cả, bắt rồng ở trên trời hoặc rồng ở nhân gian, độ chúng đến bờ Niết Bàn bên kia.
Cảnh giới này chẳng phải phàm phu chúng ta biết được, người không chứng quả thì không thể tin đạo lý này, đợi khi chứng quả rồi mới biết là như thế. Ðức Phật là người chứng được vô thượng chánh đẳng chánh giác, tuyệt đối không nói dối, cảnh giới này là ngàn chân vạn thật.
(cre: kinhnghiemhocphat)