Thế gian này vốn ngập tràn tội ác, thế nên sự truyền bá đạo đức là một nhu cầu bức thiết của xã hội. Đạo đức cần phải được giảng dạy ở khắp mọi nơi, trong gia đình, học đường, các đoàn thể và các tôn giáo. Mỗi nơi đều có phương pháp riêng để nêu lên hệ thống đạo đức của mình.
Tôn giáo vừa mang tính chất thần bí, vừa mang tính chất đạo đức. Ở phương diện đạo đức, tôn giáo là một hình ảnh đẹp của loài người vì đã rao giảng cải hóa tâm hồn con người trở nên thuận lương hướng thượng. Ở khía cạnh thần bí, tôn giáo bị nghi ngờ phê phán, vì có nhiều điểm chưa (xin nhấn mạnh chữ “chưa”) phù hợp với khoa học.
Hầu hết con người tìm đến tôn giáo vì mục đích tâm linh. Nhưng một tôn giáo chân chính là tôn giáo vừa có khả năng giúp con người đạt được mục đích tâm linh, vừa có khả năng giúp con người cải tạo đạo đức phù hợp với văn minh của cộng đồng xã hội, vừa có khả năng lý luận phù hợp với khoa học để không bị đào thải vì lạc hậu. Nếu một tôn giáo chỉ thiên hẳn về một khía cạnh thần bí, khiến cho tín đồ lập dị, quái lạ với cộng đồng xã hội, đồng thời có quá nhiều điểm phản khoa học. Tôn giáo đó sẽ bị đào thải.
Một người muốn trở thành tu sĩ cũng vậy, phải sáng suốt lựa chọn một tôn giáo nào có thể giúp cho mình trở nên thánh thiện và sau đó đem lại lợi ích cho nhiều người trên cả ba lĩnh vực: tâm linh, đạo đức và tính khoa học. Chỉ như vậy hình ảnh của tu sĩ mới là một hình ảnh vừa siêu thoát, vừa gần gũi với con người. Tu sĩ không còn là một nghề tìm sinh kế nữa, mà đã trở thành một thiên chức cao cả cần thiết cho cuộc đời hôm nay và mai sau.
Trích sách “Nghiệp và kết quả” – TT. Thích Chân Quang.