Thiện ác báo ứng không phải do quỷ thần tạo ra cho chúng ta, cũng không phải Phật, Bồ Tát, không phải Thượng đế, vua Diêm La tạo ra. Hết thảy những điều lành dữ, họa phúc đều do chính ta tự tạo, tự làm tự chịu. Chỉ những ai thực sự hiểu rõ ý nghĩa này, sự thật này, mới giữ được tâm điềm tĩnh, cho dù có gặp đủ mọi tai họa cũng không hề oán trời trách người; cho dù bị người khác sỉ nhục, hãm hại cũng không hề oán hận.
[Người như thế] rõ biết điều gì? Rõ biết rằng những điều ấy là báo ứng nhân quả, là quả báo. Trong quá khứ nếu ta không phạm tội với người khác, ngày nay người khác không thể phạm tội với ta. Trong quá khứ nếu ta không hãm hại người, ngày nay người khác sao có thể hãm hại ta? Ta bị người sỉ nhục, hủy báng, hãm hại, thảy đều do chính mình tự tạo, nên tự mình phải nhận chịu, vui vẻ mà nhận chịu thì quyển sổ nợ cũ đó mới được xóa sạch.
Nợ mạng sống phải trả bằng mạng sống, nợ tiền bạc phải trả bằng tiền bạc, [nhân] quả báo [ứng] tương quan trong cả ba đời, làm sao trốn tránh được? Cho dù quý vị đã thành Phật, quay lại thị hiện trong sáu đường luân hồi để hóa độ chúng sinh, cũng không thể tránh được nghiệp báo đã tạo từ đời trước. Tôi từng đọc sách thấy đức Khổng tử bị nạn cắt lương thực tại nước Trần phải chịu đói, đức Phật Thích Ca Mâu Ni chịu quả báo phải ăn thứ lúa dùng nuôi ngựa trong ba tháng. Trong kinh điển đức Phật đã dạy chúng ta, nghiệp nhân từ đời trước, khi nhân duyên thành thục thì dù thành Phật cũng không cách gì tránh được quả báo.
Trong Thiền tông có công án Dã hồ thiền, rất nhiều vị đồng tu đều quen thuộc. Đây là chuyện về Đại sư Bách Trượng đời nhà Đường. Đại sư mỗi ngày giảng kinh đều có một ông già đến nghe. Ông già ở phía sau núi, cứ đến giờ giảng kinh lại tìm đến nghe. Mọi người không ai biết, nhưng Đại sư Bách Trượng biết ông không phải người thường. Nếu gọi theo người đời thì ông là hồ tiên hoặc hồ ly tinh.
Một hôm, ông già ấy đến thỉnh giáo Đại sư Bách Trượng, tự nói việc mình bị đọa lạc như thế nào. Đời trước ông vốn là pháp sư, một vị pháp sư giảng kinh thuyết pháp. Trong đại chúng có người thưa hỏi, ông giải đáp sai lầm, chỗ sai lầm là bác bỏ nhân quả, liền bị đọa phải mang thân chồn, đã hơn 500 năm. Hiện tại không biết cách gì để thoát khỏi thân súc sinh, thỉnh cầu Đại sư giúp đỡ. Đại sư Bách Trượng đáp: “Có thể được. Ngày mai lúc giảng kinh, ông hãy bước ra thưa hỏi. Hãy đem câu hỏi ngày trước thính chúng đã hỏi ông ra hỏi lại tôi.”
Hôm sau, hai người làm đúng như vậy. Ông lão hồ ly bước ra thưa hỏi Đại sư: “Bậc tu hành cao trổi còn rơi vào nhân quả hay chăng?” Ý nghĩa câu này muốn hỏi là, bậc tu hành chân chánh đã chứng đạo, chứng quả, đạt đến cứu cánh viên mãn là quả Phật, vị Phật ấy có rơi vào nhân quả hay không? Đại sư Bách Trượng đáp: “Chẳng che mờ nhân quả.” Trước đây vị pháp sư này trả lời câu hỏi ấy là “không rơi vào nhân quả”, như vậy là sai lầm. Nay Đại sư trả lời là “chẳng che mờ nhân quả”. Thế nào là “chẳng che mờ”? Là quả báo tất yếu phải có, rõ ràng, minh bạch, không che mờ, không phải là không có nhân quả. Bậc thánh nhân ở thế gian như đức Khổng tử, bị đứt lương thực tại nước Trần, đó là quả báo [của nghiệp đã tạo] từ đời trước. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ôm bát đi khất thực chẳng có gì ăn, phải chịu đói. Có người dùng thứ lúa cho ngựa ăn mang đến cúng dường, Phật vẫn nhận [và ăn thứ lúa ấy]. Đời trước tạo nhân bất thiện thì đời này phải nhận lãnh quả báo, Ngài hiểu rõ điều đó.
Cho nên, người tu hành tiếp nhận nghịch duyên, gặp người xấu ác, đều luôn rõ biết, lúc cần đền mạng thì đền mạng, lúc cần trả nợ thì trả nợ, vui vẻ hoàn trả rồi thì hết nợ.
(Trích: Thái Thượng Cảm Ứng Thiên Giảng Giải, Việt dịch: Nguyễn Minh Tiến. Giảng ngày 6 tháng 6 năm 1999 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 19, số hồ sơ: 19-012-0019)