Về nội dung thì bố thí hay cúng dường chỉ là một, không có gì là sai khác. Tuy cùng chung một nghĩa cử, một hành động, nhưng người ta dùng hai từ khác nhau để phù hợp với đối tượng thọ nhận: cho với lòng hảo tâm, thương cảm thì gọi là bố thí, còn cho với lòng ngưỡng mộ, tôn kính thì gọi là cúng dường.
1. Cúng dường là gì ?
Cúng dường có nghĩa là cung cấp và nuôi dưỡng. Tất cả những sự bảo bọc, giúp đỡ, gìn giữ để Tam Bảo được trường tồn đều gọi là cúng dường. Là người Phật tử, chúng ta cũng nên nhớ cần cúng dường với lòng thành kính, tôn trọng, tuyệt đối tránh thái độ kiêu căng, cầu phước.
Cúng dường cần có lòng thành kính và tôn trọng
2. Vì sao chúng ta nên hàng ngày cúng dường Tam Bảo ?
Tam bảo gồm có Phật, Pháp và Tăng. Người Phật tử nhớ ơn Tam Bảo- nhờ có Phật tìm ra con đường giải thoát khỏi bể khổ trầm luân trong vòng sinh tử luân hồi. Sau khi Phật đã nhập Niết Bàn rồi, nhờ có giáo lý (Pháp) của Ngài còn để lại, đời nọ truyền qua đời kia, người Phật tử nhờ đó mà biết chân lý, theo đó tu hành để giải thoát khổ đau. Còn Tăng là những người đã giữ cho đạo Phật được trường tồn và ngày càng hưng thịnh. Do đó người Phật tử tôn kính Tam bảo, cúng dường Tam bảo để đền đáp ân đức mà Tam bảo đã ban cho. Hơn thế nữa, cúng dường cũng như bố thí để tâm người Phật tử được thăng hoa, vun bồi công đức, và duy trì ngôi Tam bảo được trường tồn để tiếp tục giáo hóa chúng sanh.
3. Cúng dường Tam bảo như thế nào?
Cúng dường Tam bảo gồm có : cúng dường Phật bảo, cúng dường Pháp bảo, cúng dường Tăng bảo.
* Cúng dường Phật bảo:
Tuy Phật đã nhập diệt, nhưng chúng ta vẫn cúng dường Phật những đồ ăn, thức uống để hình dung Đức Phật vẫn còn sống dạy dỗ chúng ta tu học.
Không nên bày biện linh đình, hoang phí. Những món cúng Phật đúng nghĩa là:Hương thơm, Đèn sáng, Hoa tươi, Trái cây, Nước trong. Đôi khi thêm cơm trắng là đủ.
Người Phật tử cũng có thể cúng dường lên Phật 5 món diệu hương:
- Giới hương: ta phải giữ giới thanh tịnh để xứng đáng là con của Phật
- Định hương: Tập định tĩnh tâm hồn, đừng cho xao động, mê nhiễm
- Huệ hương: Chú ý vào văn, tư, tu. Nghĩa là học hỏi giáo pháp của Phật, sau đó suy xét, nghiền ngẫm, và quyết tâm thực hành.
- Giải thoát hương: phá trừ ngã chấp, luôn quán vô ngã, tứ đại là không, nghiệp thức phân biệt cũng là không.
- Giải thoát tri kiến hương: phá trừ luôn pháp chấp, không thấy đất, nước, gió, lửa là thật, vui buồn, sướng khổ là thật.
* Cúng dường Pháp bảo:
Để cúng dường Pháp bảo,trước hết người Phật tử cần phải học và nghiên cứu giáo pháp của Đức Phật để hiểu rõ sự cao quý của giáo pháp ấy. Sau đó, nếu có tài chính thì nên xuất tiền ấn tông kinh điển, phổ biến ra nhiều nơi.
Người Phật tử có trình độ học thức thì nên diễn giảng giáo pháp cho mọi người cùng hiểu, hoặc sáng tác các thể loại văn chương, lý luận cho người đọc thấm nhuần, hoặc phiên dịch các bộ kinh từ ngoại ngữ sang tiếng Việt.
* Cúng dường tăng bảo:
Chư Tăng là những người thay thế Đức Phật mà truyền lại giáo pháp cho chúng ta, vì vậy chúng ta phải cung cấp và nuôi dưỡng chư Tăng.
Thái độ cúng dường phải thành kính, trân trọng, không tự cao, không phân biệt vị Tăng ở chùa nào, xứ nào cả; vị nào ở trong hàng ngũ Tăng đoàn thì chúng ta cứ cúng dường.
Nên chọn những món cần thiết cho đời sống tu học chân chánh của chư Tăng, không nên chiều theo những sở thích riêng tư của vị này vị kia mà cúng dường những món không đúng Chánh pháp, như vậy người cúng cũng không có phước báu mà người thọ nhận cũng mang tội.
4. Kết Luận
Một người Phật tử phải phát tâm, hể có dịp thì cúng dường Tam bảo, việc cúng dường luôn luôn có phước báo cho mình, nó cũng là phương pháp tập cho mình xả ly tiền tài của cải, có như vậy mới mau thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử.
Người Phật tử phải Phước, Huệ song tu, Phước phải cúng dường, bố thí còn Huệ phải tu tập giữ cho tâm mình được thanh tịnh, nhờ đó thì trí huệ phát sinh, công đức ngày càng viên mãn.