1. Chẩn tế cũng là hình thức ủy lạo, bố thí. Chẩn có nghĩa là đem của, đem tài vật chất của mình giúp cho người ta. Tế có nghĩa là giúp đỡ qua cơn đói khát, lạnh buốt. Chẩn tế có nghĩa là như vậy. Chúng ta đi ủy lạo cũng xuất phát từ tình thương, người làm công việc chẩn tế cũng không khác với công việc từ thiện. Nếu có, là khác ở chỗ: làm từ thiện giúp cho người dương, còn quý thầy ngồi đàn chẩn tế giúp cho người âm. Nếu như tôi lãnh công việc ủy lạo của đại chúng giao cho và thông tin đó đã được thông báo đến vùng đó. Đồng bào người ta đến, người ta chờ, người ta đợi nhưng không biết rằng số quà đó không đến tay họ được. Họ giận ai? Họ đâu có giận sư cô Chân Không đâu. Họ giận tôi vì họ biết tôi là người trưởng đoàn sẽ đem quà đến. Họ giận ít thì thôi mà họ giận nhiều quá thì coi chừng! Chẩn tế cũng vậy.
2. Chúng ta làm công việc này để bố thí, trước tiên là để cho họ hưởng vật thực. Trước khi hưởng vật thực ta cho họ pháp thực. “Tài thí như đăng minh nhất thất. Pháp thí như nhật chiếu đại thiên.” Đem tiền bố thí là có phước nhưng phước đó nhỏ như ánh sáng một ngọn đèn, chỉ sáng trong căn phòng thôi. Nhưng Pháp thí là cho họ lời khuyên, giúp cho họ có hướng đi, giúp cho họ chuyển hóa cuộc sống đau khổ, công đức đó mới lớn, giống như ánh sáng của mặt trời. Cho nên, trong trai đàn đó vừa có pháp thí lẫn vật thí.
3. Nếu lên đàn không có chánh niệm, không có đạo lực hay nói cách khác mình không có tình thương, vẫn còn ganh tỵ, bon chen, hơn thua. Hay là đối với cha mẹ mình không có hiếu kính, đối với anh chị em không dễ thương, mà mình đi nói thương đồng bào, thương cô hồn thì họ nói anh này dối, họ sẽ không tin tưởng. Nếu chúng ta làm công việc đó, họ không nhận được thì hậu quả đó chúng ta phải lãnh lấy. Nếu chúng ta làm công việc đó mà họ đều hoan hỷ, đều tiếp nhận thì “vô bệnh trường thọ, thọ dụng đắc cụ túc.”
4. Vấn đề không phải là không có nhưng vấn đề có hay không? Ta phải nhìn lại việc làm của người đó. Nếu nói là trước khi lên đàn phải có thời gian bế quan để luyện công, thực ra đó chỉ là cách nói thôi. Ví như tôi học võ, tôi đi đường quyền hay nhưng học rồi tôi cất đó, khi nào giặc đến cổng rồi tôi mới múa, liệu có trị được giặc không? Nó đánh sau lưng mình cũng không hay. Do đó ta phải “nghiêm tinh luyện thục”, tức là ta phải nghiên cứu và luyện tập một cách thuần thục, chín mùi rồi mới dám làm công việc đó.
5. Như vậy, không phải đợi đến khi lên đàn, mới đóng cửa lại ngồi làm như vậy. Chúng ta phải tu tập hành trì như Sư Ông dạy, là phải tu tập hàng ngày. Nếu chúng ta hiểu như vậy, dù lúc ở không hay lên đàn đều là công phu. Dù chúng ta lên đàn hay ngồi trong phòng để tĩnh tâm hay làm công việc nào đó cũng từ nền tảng của từ, bi, trí tuệ đã thuần thục. Giống như lúc nào quý sư cô thỉnh Sư Ông cho pháp thoại thì Sư Ông đâu phải bế quan, phải luyện tập. Từ ở trong tâm thức của Sư Ông tuôn ra. Những cái đó từ trong máu, trong xương tuôn ra. Thành ra phong cách nào của Sư Ông cũng là Ấn, lời nói nào của Sư Ông bằng tình thương cũng là châm ngôn.
Hôm mới đến Làng, sáng sớm đang dùng cơm với Thượng tọa Minh Tuấn ở Trai đường thì Sư Ông xuống. Sư Ông rủ đi thiền hành, vừa đi mấy bước Sư Ông nắm tay tôi đi cho ấm. Đi một hồi, Sư Ông đưa tay lên và hỏi: “Đây là ấn gì?” Tôi cũng không biết đó là ấn gì. Sư Ông nói: “Đây là ấn huynh đệ.” Chúng ta thấy tất cả những cử chỉ nào xuất phát từ căn bản trí luôn xuất ra hậu đắc trí và tuôn chảy ra đại bi tâm thì những lời đó đều là châm ngôn, là thật ấn. Cho nên, những cách đó mình làm cho thuần thục, không phải nhất thiết đợi đến lúc đó mới đóng cửa bế quan và trị liệu. Chắc quý có nghe ở Vĩnh Nghiêm, trước đó một tuần tôi đóng cửa bế quan phải không? Thật ra là tôi có tung ra tin đó để tránh không tiếp xúc những người thắc mắc, đóng cửa lại để làm công việc cho xong. Đến giờ mình xuất chiêu là đã xong hết rồi. Đó là cách nói chứ không phải bế quan, trốn khách. (Cười)
Nguồn tin: Langmai.org
Phỏng vấn HT THÍCH LỆ TRANG